Các địa phương ở ĐBSCL đang bắt đầu xuống giống vụ thu đông. Nhiều thương lái và doanh nghiệp (DN) đặt cọc mua với mức giá tốt.
Giá lúa tăng, nông dân phấn khởi
Đầu tháng 9-2024, tại các địa phương khu vực ĐBSCL, giá lúa đã tăng 200 - 1.200 đồng/kg so với cách đây 2 tháng. Cụ thể, lúa Jasmine 85, Ðài Thơm 8 và OM 18 được nông dân bán cho thương lái và DN ở mức 8.300 - 8.900 đồng/kg; lúa IR 50404, OM 380 và OM 5451 bán với giá 7.400 - 8.200 đồng/kg.
Ông Trần Thanh Long (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) cho hay vụ hè thu này, ông canh tác 2 ha lúa giống OM 18, năng suất khoảng 6 tấn/ha. Thương lái thu mua tại ruộng là 8.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 50 triệu đồng. "Tôi đang xuống giống vụ thu đông, hy vọng cũng được mùa, trúng giá" - ông Long phấn khởi.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện là 575 USD/tấn, cao hơn Thái Lan 3 USD/tấn và cao hơn Pakistan 37 USD/tấn.
Theo lãnh đạo một DN xuất khẩu gạo tại TP Cần Thơ, giá lúa tăng trở lại do xuất khẩu thuận lợi, nhiều loại gạo tăng về số lượng và giá. Sự tăng trưởng này không chỉ mang lại lợi ích cho nông dân mà còn đóng góp đáng kể vào nền kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. "Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, DN và các cơ quan quản lý nhà nước" - lãnh đạo DN này nhìn nhận.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 8-2024, cả nước đã gieo cấy được gần 6,6 triệu ha lúa; thu hoạch ước đạt 4,45 triệu ha; sản lượng thu hoạch ước đạt hơn 28,7 triệu tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các DN đã xuất khẩu được 6,16 triệu tấn gạo, thu về khoảng 3,85 tỉ USD; tăng 5,9% về sản lượng nhưng tăng đến 21,7% về giá trị nhờ giá xuất khẩu gạo bình quân tăng 14,8%.
Đầu ra thuận lợi
Tình hình xuất khẩu các tháng cuối năm 2024 dự báo tiếp tục thuận lợi khi 2 khách hàng lớn nhập khẩu gạo Việt Nam là Philippines và Indonesia có nhu cầu cao. Báo chí Philippines thông tin nước này vẫn chưa đủ lượng gạo dự trữ cần thiết do lượng nhập 3 tháng gần đây giảm, từ 400.000 tấn/tháng xuống 150.000 tấn/tháng. Năm nay, Philippines dự kiến phải nhập 4,5 triệu tấn gạo nhưng tính đến tháng 8 mới chỉ nhập được 2,7 triệu tấn, tức còn cần thêm 1,8 triệu tấn.
Còn tại Indonesia, nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, Cơ quan hậu cần quốc gia (Bulog) vừa thông tin cần nhập thêm 900.000 tấn gạo trong những tháng cuối năm 2024 để bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Bulog đang chuẩn bị mời thầu để thực hiện kế hoạch này.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), cho rằng với kết quả xuất khẩu các tháng đầu năm và diễn biến thị trường gần đây, có thể tin tưởng cả năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam có thể lần đầu tiên chạm mốc 5 tỉ USD (năm 2023 đạt 4,67 tỉ USD - PV).
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng việc Indonesia mở thầu sắp tới không ảnh hưởng nhiều đến thị trường nội địa vì nguồn cung gạo theo yêu cầu nhập khẩu của nước này không còn. Bởi lẽ, gạo từ các vụ trước đã tiêu thụ hết, chỉ còn tồn kho theo kế hoạch và gạo vụ thu đông chủ yếu là gạo thơm đặc sản, còn Indonesia cần gạo trắng thông dụng.
Hiện tại, nhiều DN vẫn đang lo giao hàng cho Indonesia theo các hợp đồng cũ nên có thể không tham gia đợt đấu thầu mới. "Các loại gạo đặc sản vụ thu đông như ST, Đài Thơm, Jasmine 85... chủ yếu phục vụ các thị trường Philippines, Trung Đông, Mỹ, châu Âu... và thị trường Tết trong nước với mức giá cao" - ông Thành thông tin.
Về kết quả kinh doanh của các DN, ông Thành cho hay một số DN dự báo sai xu hướng giá đang gặp nhiều khó khăn vì phải mua hàng giá cao giao cho các hợp đồng giá thấp. Những DN thu mua lúa dự trữ từ đầu mùa rồi ký hợp đồng bán gạo có sẵn thì vẫn lãi.
Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ, nói rằng thị trường gạo quốc tế đang chịu ảnh hưởng bởi 2 khách mua lớn nhất là Philippines và Indonesia. Nhu cầu của 2 nước này rất lớn và là nhu cầu thật vì họ không tự chủ được việc sản xuất trong nước. "Chúng tôi chuyên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng phải chuyển hướng sang 2 thị trường chính này" - ông Hòa tiết lộ.
Bình luận (0)