Ngày 16-12, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị Thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản giữa bối cảnh ngành đã đạt được nhiều kỷ lục về xuất khẩu.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), thông tin xuất khẩu toàn ngành năm 2024 ước đạt 62,4 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Có đến 7 mặt hàng vượt doanh số xuất khẩu 3 tỉ USD/năm là: gạo, cao su, điều, cà phê, gỗ, thủy sản, rau quả.
Nếu so với mục tiêu đặt ra trong Đề án 174/QĐ-TTg về thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đến năm 2030 do Chính phủ phê duyệt vào năm 2021 thì ngành nông nghiệp đã về đích trước 6 năm vì mục tiêu đến năm 2030 là xuất khẩu được 60 - 62 tỉ USD.
Về thị trường, Mỹ đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu nông - lâm - thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đánh dấu sự đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, khi ông Donald Trump quay trở lại làm Tổng thống Mỹ, các doanh nghiệp (DN) cần đặc biệt chú ý vấn đề xuất xứ hàng hóa.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, tăng trưởng cao, mang về 11,2 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm, vượt cả năm 2023.
Về kiến nghị cho thời gian tới, ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh cần bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế bởi hiện tại, hàng chế biến đã được miễn thuế ở các thị trường nhập khẩu, DN đang tìm cách tận dụng. Đồng thời, nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong hỗ trợ, kết nối DN; tăng cường phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu khách hàng.
Ông Phạm Quang Huy, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Mỹ, nêu mối quan tâm lớn nhất hiện nay là minh bạch về nguồn gốc nông - lâm sản từ Việt Nam vào Mỹ và giải pháp để cân bằng thương mại. Với việc gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ là mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu vào Mỹ nhiều nhất, các DN cần thực thi tốt chính sách phát triển rừng bền vững; hợp tác với Mỹ trong việc truy xuất nguồn gốc,… Đối với mặt hàng rau quả, ông Huy gợi ý một số mặt hàng tiềm năng như: sầu riêng, mít, dứa, mãng cầu. Đồng thời, ông cảnh báo về việc các cuộc điều tra phòng vệ thương mại cũng như biện pháp kỹ thuật tăng.
Ngoài ra, trước sức ép cân bằng thương mại, DN cần tính đến giải pháp nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ như: nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu cho nông nghiệp,…
Bình luận (0)