Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 11 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả ấn tượng: 56,74 tỉ USD (mục tiêu cả năm là 55-56 tỉ USD).
Điểm sáng lúa gạo
Một trong những điểm sáng của xuất khẩu nông - lâm - thủy sản là ngành lúa gạo. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 8,5 triệu tấn gạo với giá trị 5,31 tỉ USD. Dự kiến cả năm lượng gạo xuất khẩu có thể đạt khoảng 9 triệu tấn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại các địa phương vùng ĐBSCL, ngày 6-12, giá lúa tăng mạnh 300 - 400 đồng/kg so với 1 tuần trước đó, trong khi giá gạo cũng tăng 46-76 đồng/kg.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn nhiều so với trước đây. Cụ thể, loại gạo 5%, 25%, 100% tấm của Việt Nam được giao dịch lần lượt là 514 USD/tấn, 482 USD/tấn, 405 USD/tấn; trong khi giá của Thái Lan là 503 USD/tấn, 457 USD/tấn, 396 USD/tấn.
Theo đại diện Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (tỉnh Đồng Tháp), công ty chủ yếu xuất khẩu gạo sang thị trường Canada, Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản… Đây là những thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng gạo nhưng giá trị mang lại cao.
Xuất khẩu thủy sản đến hết tháng 11 đạt 9,2 tỉ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, có thể đạt trên 10 tỉ USD trong năm nay. Xuất khẩu gỗ dự kiến đạt trên 16 tỉ USD.
Nông dân được lợi
Đáng chú ý, việc đẩy mạnh ký kết các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đi kèm thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, thị trường khó tính, đã giúp ngành rau quả của Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 11 tháng năm 2024 đạt 6,66 tỉ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, với các sản phẩm chủ lực như: sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài. Với kết quả này, ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam tự tin có thể lập kỷ lục 7,2 tỉ USD trong cả năm 2024.
Phản ánh rõ ràng nhất cho những con số ấn tượng trên là sự khấm khá của người nông dân, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nguyên - thủ phủ của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu...
Ngày 6-12, giá cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục neo ở mức cao, tăng gần 3 lần so với thời điểm này năm ngoái.
Tại đại lý cà phê Dương Văn Dũng (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), buổi sáng niêm yết thu mua 118.000 đồng/kg cà phê nhân. Tuy nhiên, đến 10 giờ cùng ngày, đại lý điều chỉnh giá tăng lên 2.000 đồng/kg. Còn hồ tiêu cũng được thu mua ở mức cao với giá 145.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Bình - ngụ huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk - cho biết gia đình có 1,8 ha cà phê hiện đã thu hoạch được khoảng 1/3 sản lượng. Năm nay, năng suất ước giảm khoảng 10% nên sản lượng khoảng 6,5 tấn cà phê nhân. Với mức giá như hiện nay, sau khi trừ các chi phí, gia đình ông Bình lãi hơn 500 triệu đồng.
Không chỉ cà phê, Đắk Lắk là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng với khoảng 32.785 ha. Dù diện tích cho thu hoạch chỉ chiếm khoảng 1/2 nhưng sản lượng sầu riêng niên vụ 2023 - 2024 của tỉnh Đắk Lắk ước đạt 281.000 tấn, đứng thứ 2 cả nước, sau Tiền Giang.
Thời gian qua, nông sản được giá nên nông dân lãi lớn, đời sống ấm no, rất nhiều gia đình ở Đắk Lắk mua ô tô, xe máy. Thống kê cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có hơn 65.100 phương tiện cơ giới đăng ký mới, trong đó hơn 6.300 ô tô và gần 59.000 xe máy.
Tương tự, kinh tế của nông dân Gia Lai thời gian qua cũng khấm khá hơn nhờ cà phê, hồ tiêu và cao su. Địa phương này đang có trên 100.000 ha cà phê (sản lượng hơn 315.000 tấn/năm); 7.700 ha hồ tiêu (sản lượng hơn 23.000 tấn/năm); 84.000 ha cao su (sản lượng mủ khô hơn 79.000 tấn/năm) và nhiều loại nông sản khác là nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu.
Ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết hiện nhiều ngành hàng nông sản có giá bán đang ở mức cao như: cà phê (114.500 đồng/kg), hồ tiêu (143.400 đồng/kg), mủ cao su (45 triệu đồng/tấn), chanh leo (20.000 - 50.000/kg), sầu riêng (60.000 - 80.000 đồng/kg)... "Mức giá nông sản tăng cao là điều kiện thuận lợi nâng cao thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp" - ông Mah Tiệp đánh giá.
Tận dụng cơ hội, phát triển bền vững
Trong bối cảnh các mặt hàng nông nghiệp tăng trưởng nóng, tỉnh Gia Lai đã có các giải pháp tận dụng cơ hội để phát triển bền vững, bảo đảm an ninh lương thực và tăng cường xuất khẩu đạt giá trị cao nhất. Trong đó, ổn định phát triển diện tích cây trồng, số lượng vật nuôi theo kế hoạch, tránh chạy theo giá thị trường gây mất cân đối cung - cầu.
Song song đó, tăng cường quản lý và phát triển, sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm bảo đảm chất lượng nông sản; sản xuất, chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ và công nghệ xử lý môi trường hiện đại; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; mở rộng sản xuất theo các tiêu chuẩn xuất khẩu...
Đặc biệt, tỉnh Gia Lai đẩy mạnh việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra sản lượng lớn sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho biết sở sẽ tăng cường đào tạo và tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về các quy định, tiêu chuẩn và thủ tục xuất khẩu của thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận, nắm bắt thông tin thị trường, cũng như tìm kiếm thông tin từ các nguồn hữu ích và xác nhận với nhà nhập khẩu về hệ thống quản lý và chứng nhận an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Nếu trong tháng 12, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản thu về khoảng 5 tỉ USD thì kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 có thể vượt 61 tỉ USD - một kỷ lục mới".
Chanh leo sắp được xuất khẩu sang Mỹ
Chiều 6-12, tại tỉnh Hòa Bình, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Hội Làm vườn Việt Nam, Cục Trồng trọt, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn "Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc".
Tính đến nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và quả tươi xuất khẩu chính ngạch, gồm: Thanh long, mít, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, sầu riêng tươi, ớt tươi, thạch đen, khoai lang, dừa, sầu riêng đông lạnh, vú sữa, bưởi và chanh.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I - Cục Bảo vệ thực vật, thông báo tin vui là dự kiến trong năm 2025, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh leo xuất khẩu sang Mỹ. Ổi, chanh và mít cũng sẽ được gửi hồ sơ "mở cửa" thị trường sang nước này. Ngoài ra, quả vải thiều cũng đang hoàn tất hồ sơ để xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Đa dạng thị trường, chuyển sang xuất khẩu chính ngạch
Bộ Công Thương dự báo tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường sẽ ít nhiều tác động tới xuất khẩu. Các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng tạo nên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với sản phẩm nhập khẩu.
Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ được dự báo sẽ dẫn đến những tác động sâu rộng do các quan điểm cứng rắn, mang tính bảo hộ cao có thể làm gia tăng các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với một số mặt hàng nông sản Việt Nam.
Để vượt qua các trở ngại trên, cần tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Bình luận (0)