xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xuất khẩu rau quả thu lợi từ thị trường gần

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Trung Quốc và Đông Nam Á là 2 thị trường lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam với hơn 70% thị phần và tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn

Trong bối cảnh xuất khẩu rau quả cả nước 2 tháng đầu năm 2024 tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2023, Công ty TNHH Vinaxo (Tiền Giang) lại giảm doanh số đến 20%. Nguyên nhân là bởi cước tàu biển chở hàng đi châu Âu (EU) và Mỹ - thị trường chính của doanh nghiệp (DN) này - tăng phi mã.

Lợi thế của thị trường gần

Ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Vinaxo, cho biết không chỉ cước tàu tăng gấp 2-3 lần mà thời gian vận chuyển cũng bị kéo dài so với trước, khiến tiền hàng bị "ngâm" lâu, lợi nhuận giảm. Trước tình hình này, DN đang đẩy mạnh chào hàng sang thị trường Đông Nam Á (ASEAN) như Indonesia, Malaysia, Thái Lan... và sắp ký được đơn hàng đầu tiên.

"Thời gian vận chuyển sang các nước khu vực ASEAN chỉ 7-15 ngày, văn hóa tương đồng, người tiêu dùng có xu hướng chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe như sản phẩm trái cây sấy của chúng tôi. Do đó, nếu thị trường truyền thống không gặp vấn đề về vận chuyển thì công ty cũng vẫn mở rộng sang thị trường ASEAN bởi nhận thấy nhiều tiềm năng" - ông Cường cho hay.

Bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng Phòng ASEAN và hợp tác khu vực, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho hay khối ASEAN là thị trường rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 297,7 triệu USD rau quả sang thị trường này, tập trung vào 4 nước chính là Thái Lan, Malaysia, Singapore và Lào. Lợi thế của thị trường ASEAN là chi phí logistics thấp nhờ vị trí địa lý gần, thuế suất thuế nhập khẩu chỉ 0%-5% trong khi một số thị trường khác vẫn áp dụng mức thuế 30%-40%.

Ngoài ra, thị trường ASEAN không đòi hỏi cao về điều kiện kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, phù hợp để các DN thử nghiệm xuất khẩu trước khi mở rộng ra các thị trường xa hơn. Mặc dù vậy, thị trường này có sự cạnh tranh gay gắt bởi cơ cấu sản phẩm tương đồng nên DN Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu sản phẩm tươi ở thời điểm nghịch vụ và hàng chế biến.

Xuất khẩu rau quả thu lợi từ thị trường gần- Ảnh 1.

Công ty TNHH Vinaxo đang đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sấy khô sang thị trường ASEAN

Dư địa còn rất lớn

Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm nay, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 815,1 triệu USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng mạnh với mức tăng 57,2%, đạt kim ngạch 501,4 triệu USD. "Phía Trung Quốc đồng ý mở cửa thị trường thêm cho một số loại trái cây chủ lực của Việt Nam, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục và xem xét mở cửa cho một số loại khác. Điều này góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng tốc trong năm 2024" - Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Với Thái Lan, 2 tháng đầu năm 2024, thị trường này nhập khẩu 28,6 triệu USD rau quả Việt Nam, tăng 125,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Người tiêu dùng Thái Lan gần đây chuyển từ ưa thích trái cây vị ngọt đậm sang loại ít ngọt, tốt cho sức khỏe nên trái cây Việt có lợi thế. Còn tính chung cả thị trường ASEAN, xuất khẩu trái cây 2 tháng đầu năm nay tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ mặt hàng sầu riêng, thanh long và nhãn.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Trưởng Cơ quan Phụ trách phía Nam - Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), cho rằng ASEAN là thị trường mới nổi của ngành rau quả. Nếu tính riêng từng nước, cách đây vài năm, chưa có nước nào lọt tốp 10 thị trường lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam nhưng đến năm 2023, Thái Lan đã ở vị trí thứ 5 và tiếp tục trở thành thị trường lớn thứ 4 trong 2 tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, Malaysia hiện là thị trường đứng vị trí số 11, còn Indonesia tuy chưa phải thị trường lớn của Việt Nam song tiềm năng còn nhiều bởi nước này có dân số đông.

"Trước đây, nhiều DN nhìn nhận ASEAN là thị trường đối thủ khi có cơ cấu sản phẩm giống nhau nhưng nay, các DN đã nhìn ra cơ hội hợp tác cùng nhau có lợi. Ví dụ, Thái Lan là nước xuất khẩu trái cây lớn trên thế giới nhưng có một số thời điểm không vào vụ thu hoạch, họ phải mua hàng của Việt Nam để bán. Một số DN Thái Lan còn mở kho tại vùng nguyên liệu Việt Nam, nhất là vùng sầu riêng" - ông Mười dẫn chứng

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự báo năm 2024, xuất khẩu rau quả sẽ lập kỷ lục mới với sự đóng góp đáng kể của 2 thị trường gần là Trung Quốc và ASEAN. Nguồn cung từ châu Mỹ, EU đến 2 thị trường này gặp rào cản thời gian vận chuyển lâu và chi phí cao nên nhà nhập khẩu sẽ ưu tiên nguồn cung của thị trường gần. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần, nhất là với những mặt hàng chiến lược như sầu riêng, mít, chuối, xoài... 

Xuất khẩu rau quả có thể đạt 6,5-7 tỉ USD

Bà Lê Thị Mai Anh dự báo năm 2024, xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục tăng trưởng 2 con số, có khả năng đạt kim ngạch 6,5-7 tỉ USD nếu tận dụng tốt thời cơ. Việt Nam có cơ hội gia tăng sản lượng xuất khẩu với nhiều loại trái cây đã thâm nhập thành công vào các thị trường lớn và đang tăng trưởng. "Dư địa ngành rau quả còn rất lớn do kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này của Việt Nam mới chiếm 2%-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả toàn thế giới" - bà Mai Anh nói thêm.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo