Clip: Đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm tại phòng truyền thống trưng bày các tư liệu, hiện vật chiến tranh.

Ngã ba Đồng Lộc trong chiến tranh từng được xem là "tọa độ chết", "tọa độ lửa", huyết mạch giao thông…Nhà thơ Huy Cận đã từng viết: “Nghìn vạn chuyến xe đi/ Qua trái tim Ngã ba Đồng Lộc/ Máu qua tim máu lọc/ Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam”…

Từ năm 1965-1968, nơi đây đã hứng chịu 42.900 quả bom phá, 12.000 bom từ trường, 96 bom bi mẹ các loại, 94 quả rốc-két do địch ngày đêm ném xuống, song quân dân ta vẫn kiên cường đáp trả.

Thế trận nhân dân được triển khai linh hoạt, hiệu quả; nhiều khẩu hiệu như: “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, “Địch phá ta sửa, địch lại phá ta lại sửa”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”… trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động.

Trong suốt 8 năm bị đánh phá ác liệt (1964-1972), quân ta đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ, phá 1.780 quả bom, hiến hàng trăm ngôi nhà, góp hàng ngàn ngày công để thông đường, đảm bảo giao thông thông suốt, góp phần quan trọng trong việc chi viện cho chiến trường miền Nam.


Tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc hiện có trên 720 tư liệu, hiện vật được trưng bày để du khách tham quan, trải nghiệm.

Trong đó có những chiếc máy bay của không quân Mỹ bị bắn rơi ở chiến trường.

Những khẩu pháo 37-57mm được quân và dân ta sử dụng trong chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc.

Ba chiếc áo sờn cũ, lấm lem của các chị Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường. Không gian mô phỏng cảnh sinh hoạt của thanh niên xung phong và bộ đội tại Ngã ba Đồng Lộc được tìm thấy ngay tại hố bom nơi các chị đã anh dũng hy sinh.

Bức thư Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi gia đình 5 ngày trước lúc hy sinh. Trong thư, chị viết: "... Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con....".

Bên cạnh đó là câu chuyện về mối tình sắt son giữa nữ tiểu đội trưởng Võ Thị Tần và một chàng trai cùng quê. Trước khi anh lên đường nhập ngũ, họ hẹn thề ngày thống nhất nên duyên vợ chồng. Nhưng lời hẹn ấy không bao giờ thành hiện thực. Lúc anh trở về thì hay tin người yêu đã hy sinh. Lọn tóc thề và chiếc lược là 2 kỷ vật của họ được chàng trai cất giữ suốt nhiều năm trước khi trao lại cho bảo tàng.

Trong kháng chiến trường kỳ gian khổ, những chiếc áo trấn thủ sờn bạc, giản dị đã gắn bó với các lực lượng lập nên nhiều chiến công vang dội nơi tuyến lửa Ngã ba Đồng lộc.

Các vật dụng thiết yếu, đạn cối dùng để đào hầm, hào công sự có thể bị hoen gỉ theo thời gian, nhưng quá khứ hào hùng sẽ mãi khắc ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một bản hùng ca bất tử.

Tư liệu, hiện vật được lưu giữ, trưng bày tại Ngã ba Đồng Lộc, nhắc nhớ thế hệ hôm nay và mai sau hãy luôn tự hào truyền thống cách mạng vẻ vang...

Tri ân sự hy sinh xương máu của cha anh đi trước...



tiếp tục học tập, rèn luyện và có những đóng góp xứng đáng trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, phồn vinh.


Không gian mô phỏng cảnh sinh hoạt của thanh niên xung phong và bộ đội tại Ngã ba Đồng Lộc


“Trong 2 ngày nghỉ lễ vừa qua, đã có 15.000 lượt du khách đến tham quan, dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc. Điều đó khẳng định những giá trị lịch sử, chiến công oanh liệt nơi chiến trường Đồng Lộc được du khách trong nước và bạn bè quốc tế tôn vinh, trở thành biểu tượng hòa bình trong thời đại mới” - anh Đặng Quốc Vũ, Trưởng Ban Quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và khu tưởng niệm Lý Tự Trong, nhìn nhận.
Clip người dân tham quan tại nhà truyền thống
Bình luận (0)