Ảnh minh họa
Cha là con trai một trong gia đình có ba người chị gái, khi cha chưa tròn 1 tuổi ông nội tôi qua đời. Để bù đắp cho sự thiếu thốn tình phụ tử, bao nhiêu tình thương bà nội và các cô dồn hết cho cha. Vì được cưng chiều từ nhỏ, nên cha tôi rất hư đốn, mới học lớp 9 đã bỏ học, tập tành uống rượu, hút thuốc... Cha tôi như con ngựa bất kham chẳng nghe lời ai khuyên bảo, để có người “cầm cương” bà nội quyết định cưới mẹ tôi khi cha mới có 23 tuổi, còn mẹ 19 tuổi.
Thời gian đầu tính tình cha có thay đổi, nhưng sau đó vẫn như cũ thậm chí còn say xỉn nhiều hơn, nói năng trịch thượng, dù bản chất của cha ai cũng biết là một người sống tình cảm, rất yêu thương gia đình mình. Khi tôi lên 4 tuổi, mẹ không thể chịu đựng được nữa đã lén ẵm tôi bỏ trốn khỏi nhà nội, bị cha phát hiện giữ lại mẹ không chịu quay về mà giao tôi cho cha rồi đi một mình. Mẹ đi rồi tôi nhớ mẹ nhõng nhẽo khóc lóc suốt ngày, bà nội và các cô khuyên cha tôi sửa đổi để thuyết phục mẹ trở lại và cha cũng đã hứa. Khi cha cùng bà nội tìm gặp mẹ, thì mẹ lạnh lùng nói: “Đã hết duyên nợ rồi”.
Tôi nhớ khi tôi học lớp một, có lần mẹ quay về, tôi mừng hết biết cứ tưởng mẹ về ở luôn với mình nên gặp ai cũng khoe. Hôm đó mẹ dẫn tôi ra thị trấn chơi cả ngày, khi về mua cho tôi rất nhiều đồ chơi và quần áo mới khiến tôi hạnh phúc vô cùng. Tối đó mẹ ngủ lại với tôi, trong đêm khuya mẹ nói: “Sáng mai, ba mẹ ra tòa ly hôn, con sống với cha và bà nội nhớ ngoan ngoãn, thỉnh thoảng mẹ về thăm sẽ mua nhiều đồ chơi hơn nữa cho con nha!”. Tôi khóc năn nỉ mẹ đừng bỏ tôi vì tôi không thể sống thiếu mẹ, mẹ cũng khóc nhiều lắm mà không nói gì. Chiều hôm sau khi đang ngồi học trong lớp, tôi thấy bóng dáng mẹ lấp ló ngoài song cửa, tôi bật dậy chạy ra ngoài nhưng mẹ đã nhanh chóng lên chiếc xe ôm chờ sẵn chạy thẳng ra bến phà. Tôi vừa chạy theo vừa khóc gọi mẹ thảm thiết, mãi khi bóng dáng chiếc xe khuất dần trong làn khói bụi mịt mù. Tôi được cô giáo dẫn về lớp và nghe người lớn xung quanh xì xầm với nhau: “Tội nghiệp thằng nhỏ ghê, thà đi luôn về chi vậy làm khổ nó thêm”…
Từ đó, tôi lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của bà nội và các cô. Rồi cô ba, cô tư lần lượt đi lấy chồng bà nội cũng qua đời. Cha tôi ngày càng buồn bã bê tha hơn, mang tiếng là cha chứ chẳng chăm sóc dạy dỗ gì tôi. Nhưng đời tôi cũng còn may mắn, có cô hai tình nguyện sống đời độc thân để nuôi dạy tôi như con đẻ của mình.
Mẹ tôi làm thủ tục ly hôn xong với cha thì tiếp tục lấy chồng, chú ấy giàu có nghe đâu vì say mê mẹ tôi mà đã chia tay người vợ cùng hai con để đến với mẹ. Tôi chẳng buồn trách gì mẹ, có thể đó là một nửa thật sự của mẹ. Năm tôi 10 tuổi, mẹ ghé quê nội đón tôi về ngoại chơi cho biết em trai là con chồng sau của mẹ. Ở nhà ngoại ai cũng yêu quý thằng bé đó và dượng, còn tôi thì ông ngoại nhìn từ đầu đến chân rồi hỏi: “Mấy tuổi rồi, học lớp mấy?”, ngoài ra không có bất cứ cử chỉ nào thể hiện tôi là huyết thống con cháu trong nhà. Không biết mẹ có nhận ra sự phân biệt đối xử của bên ngoại dành cho tôi không, mà sau lần đó mẹ không đón tôi về ngoại chơi nữa. Chỉ khi nào sắp xếp được thì mẹ ghé chỗ tôi ở trọ đi học để thăm, thỉnh thoảng mẹ gọi điện thoại hoặc chuyển một ít tiền quà vặt cho tôi.
Ảnh minh họa
Tết vừa rồi tôi xin cha và cô hai cho về thăm ngoại, gặp lại tôi bà ngoại và dì út mừng lắm, còn ông ngoại tuyệt nhiên không nói năng với tôi câu nào, tôi hỏi chuyện ông cũng chẳng muốn trả lời, tôi buồn thật nhiều. Bây giờ tôi đã 17 tuổi không còn là nhóc con ngây ngô ngày nào, đã hiểu chuyện lắm rồi, có thể ông ngoại oán ghét cha tôi mà tỏ thái độ như vậy với tôi…
Ông ngoại ơi, ông có biết không con chỉ là nạn nhân của một gia đình tan vỡ thôi mà, cuộc đời con bất hạnh lắm đó. Dù được các cô yêu thương dạy dỗ tốt nhưng làm sao khỏa lấp được hết những thiệt thòi, khi lớn lên trong một gia đình không có đủ mẹ cha. Đáng lý ông ngoại phải thương con nhiều hơn, chứ lẽ nào ông giận cá chém thớt như vậy với một đứa trẻ vô tội, khi mà trong người nó có dòng máu của ông.
Mong ông một lần hãy nghĩ cho con.
Bình luận (0)