Bế trên tay cặp song sinh hơn một tháng tuổi, Đại úy Hoàng V.P. (SN 1994), công tác tại Sư đoàn 3, Quân khu 1 và cô giáo mầm non Phùng T.H. (SN 1996) ở Lạng Sơn hạnh phúc chia sẻ về cảm xúc khi lần đầu tiên được làm cha làm mẹ.
Năm 2019, cả hai nên duyên vợ chồng. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười nhưng sau 3 năm, tin vui vẫn chưa đến với gia đình. Lúc này, hai vợ chồng quyết định đi khám và tin tưởng vào y học hiện đại sẽ giúp họ sớm có được những đứa con của riêng mình.
Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, được biết nguyên nhân là do anh P. bị tinh trùng yếu vì tiền sử quai bị lúc nhỏ và chị H. bị polyp buồng tử cung. Để có con, hai vợ chồng cần can thiệp hỗ trợ sinh sản.
Tuy nhiên, chi phí để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là không hề nhỏ với thu nhập của hai vợ chồng, vì thế cả hai quyết định dành thêm thời gian để có thêm kinh phí làm IVF.
Trong thời gian đó, thông qua các kênh truyền thông đại chúng, anh Phong biết đến chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa" năm 2023 của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng anh một lần nữa quyết tâm đến thăm khám, nộp hồ sơ xét duyệt và may mắn trở thành 1 trong 10 gia đình nhận được gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF.
Quá trình thực hiện, gia đình Đại úy Hoàng V.P. luôn được bệnh viện và chỉ huy đơn vị tạo điều kiện tốt nhất để yên tâm điều trị. Và rồi, niềm hạnh phúc trọn vẹn đã đến trong hành trình tìm con, "hai trái ngọt" là cặp song sinh 2 bé trai đã chào đời ngày 21-10-2024 trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình.
Theo thống kê, hiện nay toàn quân có khoảng 3.000 quân nhân hiếm muộn đang công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Với đặc thù công tác, nhiều quân nhân thực hiện nhiệm vụ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nơi biên cương, hải đảo trong điều kiện sinh hoạt còn nhiều hạn chế.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên. Tuy nhiên, hành trình tìm con của các quân nhân hiếm muộn vẫn còn nhiều gian nan, vất vả và rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài quân đội.
Với mong muốn được đồng hành cũng như tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để các gia đình quân nhân kiên trì, bền bỉ trong hành trình tìm con từ năm 2021, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các gia đình quân nhân hiếm muộn.
Tối 7-12, tại chương trình Gala "Hạt mầm khát vọng" lần thứ 2, bệnh viện đã công bố, trao quyết định cho 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% trong chương trình hỗ trợ quân nhân hiếm muộn-Yêu thương lan tỏa năm 2024.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, bên cạnh áp lực, định kiến của xã hội thì áp lực tài chính cũng là một trong những yếu tố khiến hành trình tìm con của các gia đình kéo dài.
Đặc biệt, với các quân nhân, do đặc thù nghề nghiệp, thường xuyên công tác xa gia đình mà chưa thể có con hoặc chưa có nhiều thời gian để thực hiện thăm khám, điều trị hiếm muộn sớm.
"Ba năm qua, bên cạnh hàng ngàn gia đình nhận hỗ trợ miễn phí khám, tư vấn... thì 30 gia đình nhận các gói miễn phí 100% chi phí IVF của chương trình "Yêu thương lan toả" đã có những "trái ngọt" với 29 em bé chào đời khỏe mạnh, một số đang trong những tuần cuối của thai kỳ hoặc đang trong quá trình thực hiện. Kết quả này là minh chứng cho những nỗ lực bền bỉ, không từ bỏ của các gia đình hiếm muộn"- bác sĩ Hiền chia sẻ.
Bình luận (0)