1. Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; quyết liệt giải quyết có hiệu quả các tồn đọng, khó khăn nhiều năm, cũng như các dự án, công trình trọng điểm phát triển thành phố.
Ngay từ những ngày cuối năm 2022 và bắt đầu năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp đã khẩn trương tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên từ TP đến cơ sở nhận thức, nắm vững các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển TP HCM, đồng thời làm cơ sở để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết với tinh thần quyết liệt, chủ động, năng động, sáng tạo, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đoàn kết, quyết tâm xây dựng TP HCM thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu tàu, động lực có sức thu hút, lan tỏa lớn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW; chủ động, quyết liệt tổ chức thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15; xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các chủ trương để tạo đột phá, giải quyết điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của TP để tương xứng với vị trí vai trò đầu tàu kinh tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Cả hệ thống chính trị thành phố tập trung các giải pháp thực hiện các công trình trọng điểm phát triển TP; tái khởi động thi công nhiều dự án hạ tầng quan trọng .
Các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, bảo đảm tổ chức thực hiện các nhóm nội dung, giải pháp đề ra; các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng, chuyển biến tích cực; các dự án, công trình trọng điểm được triển khai theo đúng kế hoạch; việc tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư đã tác động tích cực đến môi trường đầu tư thành phố; nhiều hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, thể thao có ý nghĩa tích cực, tạo sức lan tỏa, được nhân dân hưởng ứng thực hiện; công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân tiếp tục đạt kết quả tích cực; công tác đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; góp phần thúc đẩy phát triển TP.
2. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người TP mang tên Bác
Sau gần hai năm thực hiện, toàn TP đã có gần 3.000 thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhiều địa phương có mô hình, cách làm hay; nhiều cơ sở tôn giáo, thờ tự, cộng đồng các dân tộc đã tích cực hưởng ứng, triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở, nơi thờ tự, khu sinh hoạt cộng đồng.
Các quận, huyện và TP Thủ Đức đẩy mạnh xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên trang thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội thu hút hàng triệu lượt xem, tương tác và chia sẻ trên trang cá nhân của cán bộ, đảng viên tạo nên sức lan tỏa nhanh, rộng khắp đến các cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Từ các giải pháp, cách làm đa dạng, phong phú với nhiều mô hình hay, thiết thực được nhân dân TP hưởng ứng đã thực sự tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong thời gian qua, góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lan tỏa, thấm sâu trong đời sống xã hội, dần trở thành chuẩn mực trong nếp sống, nếp nghĩ của đại bộ phận người dân, lan tỏa lối sống thanh cao, giản dị, yêu thương con người, yêu quê hương đất nước.
3. Tham gia 7 nội dung tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam
Ban Thường vụ Thành ủy đã tích cực chỉ đạo tham gia 7 nội dung tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam trên các lĩnh vực; ban hành Quyết định số 1617-QĐ/TU ngày 18-10-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập Tổng kết của Thành ủy về tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về 7 nội dung tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam nhằm bổ sung, hoàn thiện các nội dung tổng kết theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Tổng kết Trung ương; phối hợp, tổ chức các buổi làm việc giữa Thành ủy TP HCM với các Đoàn khảo sát thực tế của Ban Chỉ đạo Tổng kết Trung ương .
4. Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên
Thực hiện tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 - khóa XIII, ngành tổ chức xây dựng Đảng.
Trọng tâm là đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, Bí thư chi bộ khu phố ấp, chất lượng sinh hoạt chi bộ khu phố ấp (đó là các cơ chế chính sách: tập huấn nghiệp vụ hàng năm tại Đà Lạt, Vũng Tàu 100% cấp ủy viên khu phố ấp, tuyên dương Bí thư chi bộ khu phố ấp tiêu biểu từ cấp phường xã, cấp quận huyện, cấp TP HCM hàng năm, gắn biểu dương đảng viên tiêu biểu trên các lĩnh vực hàng năm). Đặc biệt trong năm 2023, đưa đối tượng Bí thư chi bộ khu phố ấp vào danh mục thăm và chăm lo Tết hàng năm của TP.
Quan tâm, có các giải pháp thúc đẩy công tác kết nạp đảng viên như tổ chức các hội nghị chuyên đề phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên, giảng viên, phóng viên, biên tập viên, đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ, công nhân trực tiếp sản xuất, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Trong năm, toàn TP đã kết nạp được 7.995 đảng viên mới (đạt 3,17% so với tổng số đảng viên toàn TP), nâng tổng số đảng viên hiện nay là 255.576 đảng viên toàn Đảng bộ TP.
Hoàn thiện sắp xếp khu phố ấp gắn với kiện toàn chi bộ khu dân cư với tổ chức Đảng ở các tòa nhà chung cư.
Tăng cường công tác xây dựng Đảng của tổ chức đảng trong các cơ quan y tế, trường học trên địa bàn TP.
Trong năm 2023, đã thực hiện sơ kết Quy chế 07 của Ban Thường vụ Thành ủy về phối hợp giữa Đảng ủy Sở Giáo dục Đào tạo với Thành ủy Thủ Đức, các quận ủy, huyện ủy và các tổ chức có liên quan trong công tác xây dựng đảng, tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục và Quy chế 02 của Ban Thường vụ Thành ủy về phối hợp công tác giữa Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Y tế với Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức, các quận ủy, huyện ủy trực thuộc Đảng bộ TP HCM trong công tác xây dựng đảng, tổ chức chính trị - xã hội, công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của bệnh viện và trung tâm y tế trú đóng trên địa bàn TP Thủ Đức, các quận, huyện; qua đó đánh giá công tác phối hợp giữa các đơn vị được thực hiện một cách thường xuyên, chặt chẽ, chỉ ra mặt mạnh và mặt cần hoàn thiện để phục vụ chung cho việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của toàn TP.
5. Công tác cán bộ thực hiện chặt chẽ, đồng bộ
Thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các khâu trong công tác cán bộ, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo nguyên tắc, quy trình, quy định, dân chủ, đề cao tính cạnh tranh từ khâu quy hoạch, đào tạo đánh giá, tuyển chọn, bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ. (ví dụ cán bộ khi được giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm… vào các chức danh lãnh đạo quản lý… phải thực hiện cam kết nội dung phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay, cam kết thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ); triển khai 02 quy trình khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung, hoàn thiện quy trình theo thẩm quyền của Thành phố để có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung khi có rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện; đang hoàn thiện cơ chế phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, ảnh hưởng đến lợi ích chung.
Thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV nhiệm kỳ 2026-2031; kiện toàn Ban Chấp hành Đảng bộ TP, các chức danh lãnh đạo Thành ủy (Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TP, UBND TP); rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026.
Điển hình trong công tác luân chuyển cán bộ là trong năm luân chuyển 9 Bí thư cấp ủy, đến nay các đồng chí được luân chuyển luôn phát huy được trách nhiệm trong vai trò lãnh đạo toàn diện của đơn vị…
Trong năm 2023, đã điều động, phân công, chỉ định, chuẩn y, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, tham gia ý kiến với các cơ quan Trung ương về công tác cán bộ đối với 238 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Trong năm, theo chương trình của TP và yêu cầu của Trung ương, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu cử cán bộ tham gia đào tạo cao cấp lý luận chính trị và xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều khóa học bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong và ngoài nước với tinh thần coi trọng kỹ năng, đề cao thực chất, góp phần tạo chuyển biến mới cho khâu quan trọng hàng đầu trong công tác cán bộ của TP.
Công tác cán bộ nữ đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc hoạch định, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp. Nổi bật trong năm là Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu Ban thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị chuyên đề "Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới".
Thông qua hội nghị, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong chỉ đạo thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ nữ TP HCM. Từ TP đến 22 quận - huyện, TP Thủ Đức đều thành lập câu lạc bộ cán bộ nữ gắn với các lớp đào tạo chức danh, các buổi sinh hoạt chuyên đề hỗ trợ cho công tác cán bộ nữ.
Quan tâm công tác cán bộ trẻ, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo thực hiện giám sát các đơn vị được giao triển khai thực hiện Đề án 01 của Thành ủy TP HCM về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP HCM giai đoạn 2020-2035; tiếp tục quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ xuất thân từ công nhân, với đào tạo đội ngũ lao động, quản lý của TP từ năm 2030, định hướng 2040, đào tạo chức danh theo 3 cấp độ, tập trung các xã phường có đông dân số… mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ về cơ sở để chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế thừa, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Tham mưu nghiên cứu chế độ phụ cấp theo đặc thù của TP như cơ chế cho công tác Đảng, công tác công đoàn tại khu chế xuất - khu công nghiệp.
Phối hợp với Đảng đoàn Hội Nông dân, Đảng đoàn Liên đoàn Lao động, Ban Thường vụ Thành Đoàn chuẩn bị tốt công tác nhân sự, góp phần thành công Đại hội; phối hợp Ban cán sự đảng UBND TP tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy nhân sự Sở An toàn thực phẩm, và Trung tâm chuyển đổi số TP theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội.
Đặc biệt trong năm 2023, giới thiệu 4 Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và các cán bộ chủ chốt của TP tham gia giữ vị trí chủ chốt tại Hội hữu nghị các quốc gia quan hệ truyền thống và các quốc gia quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia…) qua đó thể hiện sự quan tâm và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác đối ngoại nhân dân.
Năm 2023, đã triển khai thực hiện danh mục khám sức khỏe chuyên sâu đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Qua đó, phát hiện, xử lý, điều trị bệnh cho nhiều cán bộ. Đồng thời hướng dẫn cho Ban Tổ chức Thành ủy Thủ Đức, quận ủy, huyện ủy, cấp ủy trực thuộc tham mưu ban thường vụ cấp ủy thực hiện chăm sóc cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy quản lý.
6. Tổ chức Hội thảo khoa học về tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Hội thảo khoa học "Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đi đôi với thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trên địa bàn TP".
Kết quả có gần 225 đại biểu tham dự; với 53 bài viết và nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu và chủ đề đã đề ra; các bài viết, ý kiến phát biểu đã cung cấp các căn cứ chính trị, luận cứ khoa học để thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực các chỉ dẫn của Tổng Bí thư trong tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" trên địa bàn TP HCM; giúp quyết tâm đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý phát triển bền vững TP trong bối cảnh phát triển mới.
7. Hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP HCM được thực hiện thường xuyên, nền nếp, hiệu quả thông qua các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đã lan tỏa, nâng cao nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu; xây dựng, củng cố niềm tin của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng Đảng của Đảng bộ, chính quyền TP.
Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quyết định số 895-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP HCM, do Bí thư Thành ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã khẩn trương ban hành các quy định, quy chế, chương trình công tác cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo và Thành viên Ban Chỉ đạo; kết quả đến nay hoạt động của Ban Chỉ đạo đã đi vào nền nếp, hiệu quả, đã tổ chức 4 phiên họp của Ban Chỉ đạo, 4 cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo; sau các phiên họp, cuộc họp đề có thông cáo báo chí để tuyên truyền về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TP, góp phần lan tỏa, nâng cao nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu; xây dựng củng cố niềm tin của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng của Đảng bộ, chính quyền TP.
8. Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ, thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả được nâng lên.
Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ, tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện 51 chương trình, đề án, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh. Từ đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn phát triển của TP. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy: kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; ban hành Quy định về chế độ tự kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.
Hầu hết các nội dung kiểm tra, giám sát (giám sát chuyên đề, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra tài chính đảng,...) đã hoàn thành vượt chương trình, kế hoạch đã đề ra. Trong đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp đã chỉ đạo thực hiện: tập trung giám sát chuyên đề đối với những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm; tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; khắc phục trên 90% các hạn chế, khuyết điểm sau các cuộc kiểm tra, giám sát; sửa đổi, bổ sung, triển khai thực hiện 11 quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan, đơn vị; tổ chức nhiều hội nghị giao ban chuyên đề về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
9. Kịp thời xây dựng và triển khai kế hoạch công tác dân vận của hệ thống chính trị trong thực hiện chủ đề năm 2024 của TP về "Đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên".
Hệ thống dân vận đã tham mưu cấp ủy các cấp tổ chức quán triệt, triển khai chủ đề năm của Đảng bộ TP trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; tăng cường, tiếp xúc, lắng nghe, đối thoại với nhân dân, tiếp thu hiến kế, kiến nghị, kịp thời điều chỉnh, bổ sung chủ trương, chính sách; tập trung chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân; xử lý kịp thời, các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng đạo đức, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự gần dân, trọng dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân; kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Lấy sự đồng thuận, hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của chính quyền.
Đã phối hợp với Ban cán sự đảng UBND TP cùng với sự đồng hành của các đơn vị Thành đoàn, Sở Nội vụ, Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thi cán bộ "Tham mưu tốt - Dân vận khéo" năm 2023, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với phát huy tinh thần trách nhiệm, xây dựng đạo đức, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự gần dân, trọng dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân. Hội thi được tổ chức bằng hình thức trắc nghiệm trực tuyến đã thu hút 781 đơn vị đăng ký, với 291.487 lượt thí sinh dự thi.
Phối hợp triển khai kế hoạch tổ chức Cuộc thi viết "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người cán bộ dân vận", kết quả, kết quả đã có 49 đơn vị, tổng số 7.860 bài viết, trong đó có 5.639 bài thuộc khối quận - huyện, 2.169 bài thuộc khối đảng ủy cấp trên cơ sở, 61 bài thuộc Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; có 1.546 bài gửi tham gia cuộc thi cấp thành phố. Có 24 đơn vị cơ sở tổ chức hội thi, với sự tham gia của 6.434 thí sinh, có 20 tập thể và 126 cá nhân được khen thưởng cấp cơ sở.
10. Đẩy mạnh thực hiện "Dân chủ ở cơ sở" gắn với phát huy quyền làm chủ nhân dân theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; thực hiện tốt phong trào thi đua "Dân vận khéo", nội dung "5 không" trong hệ thống chính trị TP.
Ban Dân vận Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn với nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị và công tác xây dựng chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị.
Ban Chỉ đạo TP duy trì thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, tổ chức tổng kết công tác quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2022; triển khai thực hiện chương trình công tác năm 2023; tổ chức giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2023 đối với 08 địa phương, đơn vị; tổ chức 2 lớp tập huấn công tác dân vận của chính quyền, dân chủ ở cơ sở, công tác giám sát cho hơn 11.600 người tham dự, từ 367 điểm cầu từ TP đến đảng ủy cấp trên cơ sở, quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã thị trấn…
Cơ quan Thường trực và các thành viên Ban Chỉ đạo TP quan tâm theo dõi, nắm tình hình việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc tổ chức tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; phối hợp tham gia các đoàn giám sát về công tác dân vận chính quyền gắn với phát huy dân chủ ở cơ sở đối với các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn; chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, chuẩn bị các nội dung, nhiệm vụ theo yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo TP và Ban Chỉ đạo Trung ương.
Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở TP Thủ Đức, các quận, huyện, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy tham mưu cấp ủy tăng cường tuyên truyền, quán triệt, phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các nghị định của Chính phủ; củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ thành viên ban chỉ đạo, tổ giúp việc; xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận và dân chủ ở cơ sở.
Các địa phương, đơn vị đã tổ chức trên 300 lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác dân vận, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tổ chức 96 hội nghị chuyên đề, tọa đàm để chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm, cách làm trong thực hiện các nội dung liên quan đến dân chủ ở cơ sở.
Ngoài ra hệ thống chính trị ở cơ sở còn tập trung quán triệt, triển khai thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" trên các lĩnh vực công tác, đời sống xã hội như: Chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cao; công khai minh bạch tiến độ, chất lượng các công trình dự án; nâng cao hiệu quả tổ chức Hội nghị nhân dân và tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục hưởng ứng thực hiện hiệu quả Kết luận số 386-KL/TU ngày 26-9-2022 Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, nâng cấp, mở rộng đường, hẻm trên địa bàn TP HCM.
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" nội dung "5 không" tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện gắn với chủ đề năm của TP; các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; tuyên tuyền, vận động nhân dân hiến đất nâng cấp, mở rộng đường, hẻm; xây dựng đô thị văn minh; Chương trình "Dân vận khéo - Kết nối biên cương"; Chỉ thị số 19-CT/TU Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước"; Chỉ thị số 23-CT/TU của Thành ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; đăng ký thực hiện các công trình hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023)…
Tiếp tục triển khai kế hoạch phối hợp Đài Truyền hình TP giới thiệu mô hình, điển hình "Dân vận khéo" hàng tháng. Đặc biệt phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội TP và Ban Dân vận các địa phương đang thực hiện Dự án đường vàng đai 3,... tuyên truyền, vận động người dân hiểu, đồng thuận chủ trương thực hiện dự án, nắm tình hình nhân dân và xây dựng nòng cốt để hỗ trợ động viên người dân có hoàn cảnh khó khăn, góp khởi công dự án đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Đã tổng hợp đề xuất Cơ quan thường trực Ban Dân vận Trung ương tuyên dương, nhân rộng 11 mô hình "Dân vận khéo" tiêu biểu, nhân kỷ niệm 25 năm phong trào thi đua "Dân vận khéo" (1999-2024) trên các lịnh vực: an ninh - quốc phòng, cải cách hành chính, dân tộc - tôn giáo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị, lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Ban hành Công văn số 1883-CV/BDVTU ngày 21-7-2023 vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân và các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo, tham gia chương trình truyền hình "Cùng HTV hành động xanh".
Năm 2023, TP HCM đã xét và đề nghị tuyên dương điển hình "Dân vận khéo" gồm 6.439 tập thể và 9.091 cá nhân; về mô hình, giải pháp đang và được công nhận là: 4260 mô hình, 4658 giải pháp.
Bình luận (0)