xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

50 NĂM GIƯƠNG CAO NGỌN CỜ ĐẦU (*): Đóng góp lớn cho Đổi mới

PHAN ANH

Trên quan điểm ưu tiên lợi ích nhân dân, những bước đi của TP HCM ban đầu bị coi là "xé rào", sau này được ghi nhận đã đóng góp lớn vào quá trình đổi mới

PGS-TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia TP HCM, cho biết 2 nhiệm vụ đặt ra đối với lãnh đạo TP HCM thời gian đầu sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là lo cái ăn cho dân và vực dậy nền sản xuất đang đình trệ.

Ưu tiên cao nhất

Thời điểm đó, có ngày cả Thành ủy TP HCM lo việc gạo, bàn về gạo. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy, đã mời bà Nguyễn Thị Ráo, tức bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực TP HCM; ông Lữ Minh Châu, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương; ông Năm Ấn, Giám đốc Sở Tài chính, bàn việc cứu đói cho dân.

Từ cuộc gặp này, ông Võ Văn Kiệt chỉ đạo các ban, ngành cấp tiền để tổ thu mua lương thực của bà Ba Thi đi ĐBSCL mua gạo với giá thị trường. Trên thực tế, việc thu mua gạo gặp nhiều khó khăn bởi cơ chế, tuy vậy, ưu tiên cao nhất là dân không bị đói.

Tháng 2-1976, ông Võ Văn Kiệt đi kiểm tra hoạt động của một số nhà máy và cửa hàng lương thực tại thành phố. Ảnh: TƯ LIỆU

Tháng 2-1976, ông Võ Văn Kiệt đi kiểm tra hoạt động của một số nhà máy và cửa hàng lương thực tại thành phố. Ảnh: TƯ LIỆU

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nhân chứng thời điểm đó, kể lại ông Võ Văn Kiệt phải "bật đèn xanh" cho bà Ba Thi xuống miền Tây mua hàng chục tấn gạo, về sau là hàng trăm tấn, bán cho nhân viên, nhân dân tại TP HCM... Rồi Bộ Chính trị đã gọi bà Ba Thi ra để chất vấn chuyện "xé rào".

Trước khi bà Ba Thi đi báo cáo với Bộ Chính trị, ông Võ Văn Kiệt nói: "Chị cứ đi đi, nếu vào tù, tôi sẽ mang cơm cho chị".

"Có thể nói xé rào trong mua bán lương thực không chỉ lo đời sống của nhân dân mà còn phá thế cô lập, ngăn sông cấm chợ thời điểm đó. Việc làm của TP HCM được Trung ương ghi nhận" - Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm đánh giá.

Tên gọi mến thương từ nhân dân

PGS-TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TP HCM, kể trong 2 năm 1979 và 1980, Thành ủy TP HCM khóa I có 2 nghị quyết quan trọng theo tinh thần chủ động sáng tạo từ cơ sở, làm cho sản xuất bung ra.

Thành phố đề ra chủ trương tìm mọi nguyên liệu cho sản xuất, lập công ty xuất nhập khẩu trực tiếp (Direximco) và xuất nhập khẩu Chợ Lớn (Cholimex) để huy động vốn mua hàng xuất khẩu, lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu, vật tư cho sản xuất. Ngoài ra, mạnh dạn cho mở những kho dự trữ từ trước, đưa vật tư tồn đọng tới các xí nghiệp.

Nhờ đó, thành phố có nhiều gương sáng. Điển hình như Công ty Bột giặt Miền Nam, Dệt Phong Phú, Dệt Thành Công, Dệt Phước Long, Công ty Lương thực thành phố, Xí nghiệp Thuốc lá thành phố, Bia Sài Gòn, Sinco, Caric. 

Thành quả là hàng vạn lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, tổ lao động xã hội chủ nghĩa xuất hiện, được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương, Hội đồng Bộ trưởng cấp bằng khen...

Cũng trong thời gian này, xuất hiện những "biệt danh" như "Bí thư gạo", "Chủ tịch gạo", "phá rào", "công ty buôn lậu", "các chiến sĩ làm lén".

Lúc bấy giờ, cuộc đấu tranh giữa đổi mới và bảo thủ, trì trệ diễn ra khá quyết liệt, gay gắt. Nhân dân, người lao động thì phấn khởi, sản xuất - kinh doanh khởi sắc và phát triển nhưng thành phố chịu nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, phê phán. 

Tuy vậy, thành phố vẫn kiên gan bền trí coi lợi ích nhân dân là trên hết, từ đó mới có "sự kiện Đà Lạt" tháng 7-1983, là quá trình gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và lãnh đạo trung ương để sau đó minh định nhiều vấn đề. Sự kiện đặt dấu ấn đặc biệt về bản lĩnh của người đứng đầu và của Thành ủy TP HCM, khắc ghi thời khắc lịch sử "cởi trói" cho những người bị coi là "xé rào", góp phần quan trọng tạo tiền đề cho sự đổi mới.

Như vậy, trong 10 năm (1975 - 1985), vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, thành phố đã giữ vững thành quả cách mạng, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Đặc biệt, thành phố đã bám sát thực tiễn, coi lợi ích của nhân dân là trên hết. 

Những đổi mới của thành phố lúc đầu bị coi là "phá rào", "xé rào", sau này được ghi nhận là bước đột phá của quá trình đổi mới.

Tạo ra nhiều giá trị

Hơn 30 năm trước, ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cholimex, nhìn thấy tương lai từ vùng đất sình lầy trên địa bàn quận 7 ngày nay và đặt nền móng cho khu chế xuất (KCX) đầu tiên của cả nước.

Với ông Phan Chánh Dưỡng, điều làm nên thành công không chỉ mô hình hay mà còn là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cả một thế hệ lãnh đạo. "Không có người đứng đầu quyết liệt, cấp dưới giỏi mấy cũng không làm được" - ông Dưỡng đúc kết.

Theo đó, năm 1988, khi TP HCM đề nghị các công ty lớn đề xuất giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Dưỡng cùng nhóm trí thức hình thành ý tưởng táo bạo là lập KCX - một khu vực riêng chỉ sản xuất để xuất khẩu, không cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước. Mô hình này giúp bảo vệ kinh tế quốc doanh trong bối cảnh Việt Nam còn bị cấm vận.

Lúc đầu, ông Dưỡng chọn Tân Cảng nhưng không được chấp thuận. Sau nhiều lần khảo sát, ông đề xuất địa điểm Tân Thuận - vùng đất trũng, nhiều kênh rạch nhưng gần trung tâm, thuận tiện cho cả đầu tư lẫn sinh sống. Sau nhiều cân nhắc từ thành phố, cuộc "đại phẫu" vùng đất sình lầy bắt đầu.

Thành phố góp đất, liên doanh với doanh nghiệp CT&D để đầu tư hạ tầng. Bài toán khó nhất là giải phóng mặt bằng nhưng nhờ sự đồng thuận của người dân, khu đất hoang vu dần lột xác. KCX Tân Thuận ra đời - biểu tượng hình mẫu tiên phong cho hàng loạt khu công nghiệp sau này.

Ngày nay, Tân Thuận không chỉ là trung tâm thu hút hàng trăm nhà đầu tư từ 22 quốc gia, tạo việc làm cho 70.000 lao động mà còn là minh chứng sống động cho tư duy đổi mới. Từ vùng đất tưởng như bị lãng quên, nơi đây trở thành địa điểm sinh ra nhiều giá trị.

KCX Tân Thuận hình thành từ vùng đất sình lầy và tạo ra nhiều giá trị.  Ảnh: HOÀNG TRIỀU

KCX Tân Thuận hình thành từ vùng đất sình lầy và tạo ra nhiều giá trị. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Có thể thấy, các sự kiện từ "chạy gạo" đến "xé rào" - mở lối ra khỏi bao cấp - đến những mô hình sản xuất tiên phong đầu tiên… đều như sợi chỉ đỏ xuyên suốt. 

Đó là tinh thần tiên phong đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của TP HCM. Đây không chỉ là những mốc son của TP HCM mà chính các tiền đề ấy đã mở rộng lối để cả nước sau này bước vào công cuộc Đổi mới năm 1986 - cuộc cải cách toàn diện được hun đúc từ chính thực tiễn của TP HCM.

Và cũng chính những điều đó đã làm nên TP HCM hôm nay - đầu tàu kinh tế của cả nước, là cái nôi của những cải cách, mô hình mới, cách làm mới… 

Chủ động

TS Lê Hữu Phước, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM - ĐHQG TP HCM, nhìn nhận vì trăn trở trước những bất cập, TP HCM không đi theo vết mòn của những nếp suy nghĩ cũ mà chủ động đề nghị Trung ương những vấn đề cần giải quyết.

Từ thực tiễn thành phố 10 năm đầu sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bằng những việc làm hiệu quả và trách nhiệm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã cung cấp những luận cứ có sức thuyết phục cao để Trung ương đi tới những quyết định dứt khoát về đổi mới tư duy kinh tế tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa V, tháng 7-1984) và lần thứ 8 (khóa V, tháng 6-1985). Qua đó, góp phần quan trọng kiến tạo đường lối đổi mới toàn diện của Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986).

Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM - cũng nhận xét việc TP HCM "xé rào, bung ra" được Trung ương tổng kết, góp phần làm thay đổi đường lối phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ chế mới và cả nước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo