Năm nay, Việt Nam dự kiến đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa và tổng thu khoảng 850.000 tỉ đồng. Mục tiêu hết sức khó khăn nhưng cơ hội không thiếu, du lịch Việt Nam có khả năng vượt qua thách thức, đạt mục tiêu sản phẩm đặc sản, dịch vụ chuyên nghiệp, giá cả cạnh tranh, thủ tục thuận tiện đơn giản, điểm đến xanh sạch và an toàn…
Lẽ đó, muốn đón được khách du lịch có chất lượng cao, ở lâu thì phải có sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, lôi cuốn để giữ chân khách. Muốn có sản phẩm thì phải có chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và các địa phương xây dựng, nghiên cứu và triển khai sản phẩm du lịch. Sản phẩm ra đời có vòng đời, có quá trình thử nghiệm, trải nghiệm, trước khi thành sản phẩm hấp dẫn rất cần những chính sách hỗ trợ.
Ðể đạt mục tiêu đề ra, ngành du lịch đặt 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, hoàn tất Dự thảo Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 và chuẩn bị triển khai sau khi được phê duyệt, là cơ hội, hướng đi cho ngành, địa phương thực hiện.
Ðịnh hướng, phối hợp với các bộ, ngành liên kết, phát triển du lịch, thúc đẩy các điểm đến đa dịch vụ, sáng tạo, tạo sức hấp dẫn thu hút du khách. Ðề xuất nội dung, phương thức quảng bá xúc tiến thương mại dựa trên các phân khúc có thế mạnh như du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, golf, du lịch kết hợp hội nghị...
Ðặc biệt, đề xuất thí điểm thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở một số thị trường, trước mắt là đề án mở văn phòng xúc tiến tại Vientiane (Lào) và kết nối du lịch các nước trong khu vực. Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các thế mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo sức hấp dẫn thu hút khách đến và cả khách trở lại. Sản phẩm du lịch đóng vai trò quan trọng trong níu chân, để khách chi tiêu nhiều hơn và ở lại lâu hơn.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu đề xuất để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, nhất là các vấn đề liên quan đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng, thuế. Phối hợp địa phương quản lý điểm đến bảo đảm an toàn cho du khách; tăng cường chuyển đổi số, du lịch xanh, phát triển cơ sở dữ liệu gắn với chuyển đổi số để thúc đẩy du lịch.
Du lịch Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng cần sự vào cuộc đồng bộ của bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để đạt mục tiêu năm 2024. Xa hơn là tạo đà tăng trưởng, phấn đấu năm 2030 có thể đón 30 triệu lượt khách quốc tế, là một trong 30 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Bình luận (0)