Đáng chú ý, ngoài những nhóm truyền thống như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) còn hướng đến các nhóm như: người chăm sóc người khuyết tật nặng, hộ mới thoát nghèo, thân nhân người có công, người thuộc xã đặc biệt khó khăn, người có đất thu hồi; thanh niên sau nghĩa vụ quân sự, công an; thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình và người thất nghiệp cũng được ưu tiên vay vốn tạo việc làm.
Dự thảo Luật đã đề xuất mở rộng thêm 3 đối tượng được vay vốn đi lao động tại nước ngoài, gồm: Người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình; Người lao động thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Người lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện, trí thức trẻ tình nguyện.
Ngoài việc bổ sung đối tượng được vay vốn đi làm việc tại nước ngoài, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, gồm: Quỹ quốc gia về việc làm; Nguồn ngân sách địa phương, của các tổ chức, cá nhân ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội; Nguồn huy động của Ngân hàng chính sách xã hội được nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất…
Để thực hiện được chính sách này, ngân sách nhà nước cần cấp bù lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng chính sách xã hội để huy động nguồn vốn vay. Nếu lấy lãi suất cho vay hiện hành là 7,92%, để huy động 10.000 tỉ đồng cho vay giải quyết việc làm, ngân sách cần bỏ ra khoảng 500 tỉ đồng. Con số này tương đương hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 100.000 lao động.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc mở rộng diện được ưu tiên vay vốn tạo việc làm sẽ thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, nhất là người yếu thế, góp phần ổn định phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội. Giải pháp này cũng tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc duy trì, mở rộng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, chính sách này sẽ góp phần giảm tỉ lệ việc làm phi chính thức, phát triển bền vững cho mọi người lao động, thúc đẩy quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, thích ứng với già hóa dân số.
Theo Luật Việc làm hiện hành, người lao động được vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc thu hút thêm lao động có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án. Người được vay phải cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các bộ, ngành và các địa phương, và đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 năm nay.
Bình luận (0)