Nhiều đề xuất mang tính đột phá đã được nhiều cơ quan, tổ chức nêu ra đang được người lao động cả nước quan tâm.
Điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Người lao động cả nước đang háo hức quan tâm đến góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) của Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam.
Theo đó, Tổng LĐLĐ đề nghị điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động khi không có việc làm. Đây là một đề xuất rất thiết thực, kịp thời trong bối cảnh số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp còn khá nhiều.
Dù mới chỉ là đề xuất trong Luật Việc làm (sửa đổi) nhưng thông tin này nhanh chóng được người lao động, đặc biệt những người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp quan tâm, ủng hộ. Nhiều người cho rằng nếu được điều chỉnh, mức trợ cấp thất nghiệp mới sẽ là "phao cứu sinh" cho người lao động và cả đơn vị sử dụng lao động khi xảy ra biến cố.
Xem lại sinh viên làm thêm
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị ban soạn thảo Luật Việc làm (sửa đổi) xem xét lại việc khống chế thời gian làm việc không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học, hoặc không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ đối với học sinh - sinh viên.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng nội dung trên không phù hợp với Bộ Luật Lao động, gây khó khăn cho sinh viên xa nhà, gia đình có thu nhập thấp, ảnh hưởng đến trang trải sinh hoạt và học tập.
Do đó, Tổng LĐLĐ đề nghị cần giới hạn sàn tối thiểu về mức lương, không thấp hơn lương tối thiểu giờ, tránh người sử dụng lao động trả lương quá thấp.
Có nên đưa lao động đặc thù vào dự thảo?
Trong dự thảo, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng lao động tự do hiện đang chiếm tỉ lệ khá lớn, nhưng pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Cơ quan soạn thảo dự luật đề xuất bổ sung quy định xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, bổ sung quy định về hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng, khu vực phi chính thức.
Bộ LĐ-TB-XH cũng cho rằng cần nghiên cứu, xem xét quản lý lao động bằng "sổ lao động điện tử" gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở khác… Để từ đó có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc làm sáng tạo, trình độ cao như bảo hiểm, tài chính, YouTuber, Blogger đến việc làm phổ thông như giao hàng, bán hàng online,...
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, dự báo xu hướng chọn việc làm tự do như tài xế công nghệ, YouTuber, Blogger, Tiktoker, kinh doanh online,... sẽ ngày càng nhiều hơn trong tương lai. Vì vậy, luật chỉ nên quy định chung để quản lý và bảo vệ lao động phi chính thức, còn lao động đặc thù như YouTuber, shipper công nghệ… cần thời gian thí điểm, có thể giao Chính phủ quy định, chưa nên đưa vào luật.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, chính sách không nên hướng tới việc quản lý, kiểm soát lao động tự do hay lao động chính thức mà cần quy định chung, đưa tất cả người lao động vào hệ thống quản lý chung, kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư, bảo hiểm... Cứ có việc làm là người lao động phải đăng ký, khai báo lên hệ thống để cập nhật dữ liệu online.
5 chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Liên quan đến dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất thay đổi một số nhóm không phải tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đó là: người lao động đang làm việc theo hợp đồng thử việc; người đã nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng; người đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng; người giúp việc gia đình.
Dự thảo cũng bổ sung một số nhóm tham gia BHTN gồm: người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng ở vùng cao nhất do Chính phủ công bố; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất đã được bổ sung thêm 2 chế độ bảo hiểm thất nghiệp so với quy định hiện hành. Đó là, hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người khuyết tật.
Như vậy, nếu dự thảo được thông qua thì người lao động thất nghiệp sẽ được hưởng 5 chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 3 chế độ hiện hưởng, bổ sung thêm 2 chế độ mới, và bỏ 1 chế độ so với hiện hành.
Theo đó, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người khuyết tật.
Bình luận (0)