Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết Luật Việc làm đầu tiên được Quốc hội thông qua năm 2013, có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2015. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Việc làm đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập. Vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH đang dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Việc sửa đổi Luật Việc làm được đánh giá là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
"Sau 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Việc làm đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội, đặc biệt là nền kinh tế số, kinh tế xanh, việc làm xuyên biên giới… Do đó, những ý kiến hôm nay chính là những vấn đề thực tiễn liên quan đến việc làm trong đơn vị, tổ chức và trong DN sẽ đóng góp tích cực cho dự án Luật Việc làm (sửa đổi) lần này" - ông Tâm nhấn mạnh.
Các đại biểu dự hội nghị thảo luận sôi nổi quy định về thời gian làm việc của học sinh - sinh viên, về bảo hiểm thất nghiệp, về giao kết hợp đồng lao động, kiến nghị điều chỉnh một số khái niệm về có hay không có việc làm, thất nghiệp hay không thất nghiệp trong dự thảo. Các DN mong muốn dự thảo đưa vào những quy định cụ thể về những ảnh hưởng của thị trường, thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế... trực tiếp ảnh hưởng đến việc làm của người lao động (NLĐ); có những quy định hỗ trợ cụ thể cho DN và NLĐ khi chịu ảnh hưởng.
Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, đề xuất đẩy mạnh đào tạo nhân lực, nâng cao tay nghề, trong đó tạo điều kiện cho DN đào tạo, tái đào tạo tại DN. Bà Yến cũng mong muốn luật có tiêu chí cụ thể về bằng cấp, trình độ, kỹ năng của NLĐ khối ngành kỹ thuật để làm cơ sở trả lương, phụ cấp…
Theo Bộ LĐ-TB-XH, dự thảo Luật Việc làm nêu rõ các nguyên tắc bảo đảm quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc; bình đẳng về cơ hội việc làm, điều kiện làm việc, tiền lương và thu nhập; bảo đảm làm việc trong điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động; bảo đảm tăng trưởng bền vững, tạo nhiều việc làm và giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương trên thị trường lao động.
Trên cơ sở kế thừa Luật Việc làm năm 2013 (gồm 7 chương và 62 điều), dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có 8 chương với 145 điều. Những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đồng thời thể chế hóa các nội dung cải cách về chính sách BHTN.
Bình luận (0)