Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP HCM, tính đến hết tháng 1-2025, trên địa bàn thành phố có 14.970 đơn vị, doanh nghiệp (DN) chậm đóng BHXH, BHYT của người lao động (NLĐ) từ 3 tháng trở lên. Trong top 100 DN chậm đóng BHXH kéo dài, số tiền nợ lớn có Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Vinh Thông (KCN Tân Bình, quận Tân Phú, TP HCM). Tính đến tháng 2-2025, Công ty Vinh Thông đang nợ BHXH 32 tháng của 294 lao động với tổng số tiền hơn 14,6 tỉ đồng.
Đi cũng dở, ở không xong
Ngoài khoản nợ BHXH, hiện tại, Công ty Vinh Thông còn nợ lương tháng 12-2024 và 1-2025 của hơn 320 lao động. Đây là lý do khiến tập thể NLĐ ngừng việc để đòi quyền lợi từ ngày 7-2 đến nay. Dù được cơ quan chức năng triệu tập nhưng thời gian qua chủ DN vẫn liên tục vắng mặt, khiến NLĐ vừa bức xúc vừa bất an.
Lo lắng hơn cả có lẽ là chị Nguyễn Thị Kiều Loan, công nhân (CN) của công ty. Chị Loan đã làm việc tại đây 7 năm, hiện đang mang thai đôi ở tuần thứ 29. Chị Loan còn 1 đứa con 10 tuổi đang đi học, chồng là lao động tự do, công việc và thu nhập bấp bênh, cả gia đình ở trọ nên khi bị nợ lương đã phải vay mượn khắp nơi để trang trải cuộc sống. Nếu nghỉ việc thời điểm này, chị Loan cũng không thể tìm được việc làm mới, đồng thời không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên không có thu nhập.
"Lo nhất là đến khi sinh con, tôi không được hưởng BHYT và chế độ thai sản. Tôi đã từng liên hệ với cơ quan BHXH để mua BHYT hộ gia đình nhưng họ bảo không được do tôi vẫn đang tham gia BHYT bắt buộc ở công ty. Hiện tôi rất bế tắc, không biết tính sao" - chị Loan lo lắng.

Doanh nghiệp nợ BHXH khiến người lao động tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Vinh Thông bị thiệt thòi quyền lợi
Đã tham gia BHXH được hơn 19 năm (trong đó có hơn 2,5 năm bị DN nợ BHXH), bà Tô Ngọc Thủy (62 tuổi), CN kiểm hàng, dự định sẽ làm việc và đóng BHXH cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Do không biết công ty ngừng hoạt động đến khi nào, trong khi bản thân đã lớn tuổi khó tìm được việc mới để kéo dài thời gian tham gia BHXH bắt buộc, nên bà Thủy dự định sẽ đóng BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để hưởng chế độ hưu trí. Nhưng ngặt nỗi sổ BHXH chưa được công ty chốt, đồng nghĩa với việc bà vẫn có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc nên không thể đóng BHXH tự nguyện.
Bà Nguyễn Chiêu Trúc (56 tuổi), nhân viên tạp vụ, thì may mắn hơn khi tìm được việc làm ở một trường mầm non và được tham gia BHXH. Thế nhưng, do sổ BHXH còn kẹt tại công ty cũ nên không có để nộp cho trường. Bản thân bà đang mang nhiều chứng bệnh như đái tháo đường, huyết áp… phải đi khám bệnh hằng tháng nhưng cũng không thể mua BHYT hộ gia đình vì đang thuộc đối tượng tham gia bắt buộc tại công ty.
Cơ quan chức năng lúng túng
Tại buổi tiếp xúc với cơ quan chức năng quận Tân Phú và Ban Quản lý các KCX-CN TP HCM vừa qua, bà Đới Thị Phương Loan, Trưởng Phòng Hành chánh - Nhân sự Công ty Vinh Thông, cho hay do quyền lợi không được DN bảo đảm nên tất cả CN đều muốn nghỉ việc và tìm việc làm mới.
Vấn đề mà NLĐ quan tâm nhất là được chốt, trả sổ BHXH để tham gia tiếp BHXH tại đơn vị mới. "Theo cơ quan chức năng, công ty vẫn trong tình trạng còn hoạt động, phải có chữ ký của chủ DN thì mới có thể báo giảm lao động và chốt sổ BHXH cho NLĐ nghỉ việc. Tuy nhiên, nay chủ DN trốn tránh, NLĐ bị "treo" sổ BHXH, dẫn đến khó khăn khi tìm việc và tham gia tiếp BHXH" - bà Loan chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Công Tâm - Phó Giám đốc BHXH quận Tân Phú, TP HCM - cho hay theo quy định pháp luật hiện hành, cuối mỗi tháng DN phải có trách nhiệm đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ vào tài khoản của cơ quan BHXH. Tuy nhiên, DN này không tuân thủ đúng quy định. Bên cạnh đó, đối với NLĐ đang còn làm việc, khi nghỉ việc, DN có trách nhiệm làm thủ tục chốt, trả sổ BHXH cho NLĐ để họ tiếp tục tham gia tại đơn vị khác hoặc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Đối với đơn vị chưa đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm, cơ quan BHXH sẽ thực hiện chốt sổ cho NLĐ nghỉ việc theo nguyên tắc đóng đến đâu, chốt sổ đến đó. Khi DN khắc phục khoản nợ thì cơ quan BHXH sẽ bổ sung quá trình tham gia cho NLĐ. Tuy nhiên, để thực hiện thủ tục chốt sổ BHXH cho NLĐ, cơ quan BHXH phải thông qua ý kiến của người sử dụng lao động. Vậy nên, khi chủ DN chưa có ý kiến thì BHXH quận Tân Phú không thể thực hiện chốt sổ BHXH cho NLĐ tại Công ty Vinh Thông.
Thời gian qua, nhằm giải quyết quyền lợi cho NLĐ tại các đơn vị nợ BHXH, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 1880/BHXH-CSXH ngày 21-6-2023. Theo đó, NLĐ chưa đóng đủ BHXH tại các đơn vị đang làm thủ tục phá sản; đơn vị đã có quyết định phá sản của tòa án; đơn vị không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; đơn vị không có người đại diện theo pháp luật sẽ được xác nhận thời gian tham gia trên sổ BHXH để tiếp tục tham gia BHXH hoặc làm căn cứ giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, BHXH một lần nếu đủ điều kiện quy định.
Tuy nhiên, NLĐ ở Công ty Vinh Thông lại không thuộc các trường hợp nêu trên dẫn đến cơ quan BHXH địa phương không có căn cứ để giải quyết. Đây không chỉ là chuyện cá biệt của NLĐ tại Công ty Vinh Thông mà tình trạng chung ở các DN nợ BHXH nhưng còn hoạt động, khiến hàng trăm ngàn NLĐ đang bị treo quyền lợi chính đáng.
Hằng tháng, công ty trừ lương của NLĐ nhưng không nộp cho cơ quan BHXH, đó là lỗi của DN chứ không phải của NLĐ. Do đó, chúng tôi mong cơ quan chức năng có hướng giải quyết thỏa đáng để NLĐ bớt thiệt thòi" - chị Nguyễn Thị Kiều Loan bày tỏ.
Bình luận (0)