Trả lời đài phát thanh công cộng Armenia khi được hỏi về cải cách lực lượng vũ trang Armenia, ông Pashinyan nói: "Chúng ta cần hiểu việc có thể duy trì quan hệ quân sự và quốc phòng với ai. Trước đây, vấn đề này đơn giản và 95-97% quan hệ quốc phòng của chúng ta là với Nga. Giờ đây, điều này là không thể vì cả lý do khách quan lẫn chủ quan".
Ông Pashinyan cho biết thêm Armenia nên suy nghĩ về khả năng xây dựng quan hệ an ninh với Mỹ, Pháp, Ấn Độ và Georgia.
"Armenia có nên tiếp tục là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu hay không? Armenia cần một chiến lược an ninh quốc gia mới và sẽ tăng cường sức mạnh cho quân đội của mình" - ông Pashinyan nhấn mạnh.
Cũng theo ông Pashinyan, Nga đã không hỗ trợ Armenia đầy đủ khi Azerbaijan phát động chiến dịch quân sự nhằm giành lại quyền kiểm soát vùng đất ly khai Nagorno-Karabakh hồi năm ngoái, khiến người sắc tộc Armenia sống ở đó phải rời bỏ khu vực.
Tuy nhiên, Nga cho rằng sự thất bại của ông Pashinyan trong việc xử lý các cuộc cạnh tranh phức tạp ở Nam Caucasus là nguyên nhân dẫn đến tình hình hiện nay ở Nagorno-Karabakh.
Moscow đồng thời cảnh báo Yerevan rằng phương Tây đang cố gắng chia rẽ Armenia và Nga. Azerbaijan đã cáo buộc Pháp châm ngòi cho một cuộc xung đột mới bằng cách cung cấp vũ khí cho Armenia.
Hồi tháng trước, ông Pashinyan đã thảo luận về hợp tác với đại diện đặc biệt của Tổng thư ký NATO tại Caucasus và Trung Á Javier Colomina. Cùng thời gian đó, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo Armenia sẽ không được lợi ích gì nếu rời CSTO.
Armenia, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ giáp Georgia, Azerbaijan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, từ lâu đã dựa vào Nga với vai trò là đồng minh lớn. Hiện Nga có một căn cứ quân sự ở Gyumri, cách thủ đô Yerevan khoảng 90 km về phía Tây Bắc, cùng các cơ sở quân sự khác.
Bình luận (0)