Liên quan việc bác sĩ, cán bộ y tế quảng cáo sai lệch sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khẳng định cá nhân vi phạm đều bị xử phạt.
Theo quy định tại khoản 2, điều 27, Nghị định 15-2018, các tổ chức, cá nhân không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên tuổi các đơn vị y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế hay thư cảm ơn của bệnh nhân... để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Hình ảnh quảng cáo sản phẩm của công ty sản xuất sữa giả vừa bị phanh phui. Ảnh chụp màn hình
Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay, trên một số trang mạng xã hội đang có tình trạng sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm cho người sử dụng. Đặc biệt, là tình trạng lạm dụng hình ảnh của các bác sĩ, dược sĩ có uy tín đã nghỉ hưu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Trả lời về việc ai có thẩm quyền xử phạt các vi phạm trong quảng cáo, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết việc xử phạt đã được phân cấp. Đối với nhóm sản phẩm như sữa, cơ quan chuyên môn thuộc UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, hậu kiểm và xử phạt.
Trong khi đó, nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Cục An toàn thực phẩm trực tiếp xử lý nếu phát hiện vi phạm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Cơ quan quản lý địa phương là đơn vị xử lý các vi phạm quảng cáo cụ thể. Đơn cử, vi phạm liên quan đến viên kẹo rau Kera của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt bị phạt 125 triệu đồng, do Thanh tra Sở An toàn thực phẩm TPHCM ra quyết định xử phạt.
Về lý do không hậu kiểm thường xuyên các sản phẩm sữa, đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết theo quy định tại Nghị định 15-2018, Cục An toàn thực phẩm là cơ quan quản lý cấp trung ương, có vai trò hướng dẫn chuyên môn và thực hiện hậu kiểm đối với nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm do Cục cấp phép công bố.
Tuy nhiên, với phần lớn các sản phẩm đã được phân cấp về địa phương, bao gồm nhiều loại sữa công thức, thực phẩm chức năng, thì trách nhiệm hậu kiểm, kiểm tra, xử lý vi phạm thuộc về Sở Y tế, Chi cục An toàn thực phẩm hoặc Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố.
"Cục An toàn thực phẩm cũng thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc công tác hậu kiểm, và trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể yêu cầu địa phương vào cuộc hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan xử lý có thẩm quyền"- đại diện Cục An toàn thực phẩm nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Trước đó, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế sẽ hoàn thiện các luật về thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, theo hướng siết điều kiện kinh doanh, tăng mức xử phạt.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận thực tiễn có người lợi dụng buôn bán, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng, sản phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Ngoài ra, việc sử dụng hình ảnh những người mặc áo blouse thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng cũng là sai quy định. Bộ Y tế đã có văn bản gửi cơ sở y tế nhắc nhở, đề nghị đội ngũ y bác sĩ không tham gia những việc làm sai quy định.
Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định 38-2021 quy định mức phạt từ 20 – 100 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn công dụng sản phẩm; Người vi phạm có thể bị cấm hoạt động quảng cáo từ 1 đến 2 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, người quảng cáo có thể bị xem xét trách nhiệm dân sự theo điều 584, Bộ luật Dân sự 2015, nếu hành vi quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng (sức khỏe, tài sản, tinh thần). Người tiêu dùng có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại từ cá nhân quảng cáo lẫn tổ chức sản xuất, phân phối.
Bình luận (0)