Với 76.121 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) ở 63 tỉnh, thành; 135 trường hợp đã tử vong, Bộ Y tế nhận định bệnh TCM ở nước ta sẽ còn diễn biến phức tạp trong những tháng tới.
Số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng
Ngày 24-10, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết trong tuần 42 (từ ngày 13 đến 19-10), cả nước ghi nhận 2.998 trường hợp mắc mới TCM tại 58 địa phương; trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Tây Ninh, TPHCM, Đồng Nai, Lâm Đồng. Các tỉnh, thành có số tử vong do bệnh TCM cao nhất ở khu vực phía Nam là: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Tiền Giang...
Ảnh nhỏ: Biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Ảnh: NGUYỄN THẠNH - XUÂN LONG
Theo ông Nguyễn Văn Bình, các tỉnh ở khu vực phía Nam trước đây có số mắc nhiều nay đều đã có dấu hiệu giảm dần, trong khi đó số ca mắc ở các tỉnh miền Bắc có xu hướng tăng. Đáng lo ngại, thời gian gần đây, dịch TCM đang lan rộng tới khu vực miền núi như Hòa Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng…
Tại tỉnh Quảng Ngãi, bệnh TCM bắt đầu bùng phát từ tháng 4-2011, đến nay đã xuất hiện tại 166/184 xã, thị trấn thuộc 14/14 huyện, TP trong tỉnh với hơn 6.570 trường hợp, tăng gấp 45 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 5 ca tử vong. Có thời điểm số ca mắc mới trong tỉnh lên đến 552 ca/tuần. Ông Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, cho rằng tỉ lệ người mắc bệnh TCM của Quảng Ngãi cao nhất khu vực miền Trung và đứng thứ 7 cả nước về số ca tử vong.
Còn tại TPHCM, trong tuần qua, tại TP có 374 trường hợp mắc bệnh TCM, tăng 16 ca so với tuần trước, trong đó có một trường hợp tử vong (ngụ quận 11). Trong tuần, TP cũng ghi nhận 4 trường mầm non trên địa bàn quận 11 với 29 học sinh mắc bệnh TCM. Tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay tại TP lên hơn 10.000 ca, trong đó 26 trẻ tử vong.
Diễn biến phức tạp, kéo dài
Trước câu hỏi tại sao không công bố dịch TCM trong khi số mắc và tử vong vẫn tăng theo từng ngày, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng không công bố dịch không có nghĩa là không chống dịch. Trong khi đó, trao đổi với báo giới mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận Việt Nam đang có dịch TCM, dịch sẽ được công bố khi lây lan ngoài tầm khống chế.
Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo dịch TCM sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp cho đến hết tháng 11-2011. Theo dự báo của giới chuyên môn, đây sẽ là đợt cao điểm thứ hai của dịch TCM. Đến thời điểm này, phác đồ điều trị bệnh TCM đã được Bộ Y tế chỉnh sửa và phổ biến rộng rãi cho các tuyến điều trị. Tuy nhiên, trước tình trạng bệnh nhân ồ ạt nhập viện, nhiều bệnh viện đã lúng túng trong việc chẩn đoán, điều trị dẫn tới số tử vong tăng nhanh.
Theo bác sĩ Phan Văn Báu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong 3 tháng gần đây, TPHCM đã kiểm soát được tình trạng tử vong do bệnh TCM với tỉ lệ tử vong trên bệnh nặng chỉ 3%, trong khi các nước khác là 10%. Ba yếu tố quyết định hiệu quả công tác điều trị bệnh TCM tại TPHCM là máy móc trang thiết bị đầy đủ nhờ đã được chuẩn bị từ thời dịch cúm A/H1N1, thuốc men kịp thời (như gamma globumin), áp dụng kỹ thuật điều trị bằng cách lọc máu.
Còn tại Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã duyệt chi 5,1 tỉ đồng mua hóa chất, trang thiết bị và các hoạt động vệ sinh môi trường. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã sử dụng hơn 1.300 lọ gamma globumin với trị giá gần 5,6 tỉ đồng để điều trị bệnh TCM. UBND tỉnh cũng chuẩn bị duyệt chi 4,4 tỉ đồng hỗ trợ cho cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống bệnh.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch TCM, chiều nay (25-10), bộ trưởng Bộ Y tế sẽ gặp báo chí thông báo tình hình bệnh TCM và các giải pháp cấp bách sắp tới để phòng chống dịch bệnh này.
Bình luận (0)