Tuần qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) điều trị cho cặp anh em song sinh T. và Q. (18 tháng tuổi) cùng bị bệnh tay chân miệng. Người nhà của các cháu cho biết cách đây mấy hôm, một bé lên cơn sốt, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Củ Chi, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Một ngày sau, em song sinh cũng có những biểu hiện tương tự.
Mạng sống mong manh
Tháng 6 vừa qua cũng có hai anh em (ngụ Cần Giuộc - Long An) cùng bị bệnh tay chân miệng. Bé lớn tên A. (3 tuổi rưỡi), mắc bệnh ở độ 4, tử vong sau khi nhập viện không lâu. Chỉ 3 ngày sau, cô em gái mới 19 tháng tuổi cũng sốt cao, được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1. Những ngày đầu, bé M. liên tục gặp cơn sốc, phù phổi cấp, biến chứng thần kinh… phải lọc máu đến 2 lần và điều trị tích cực kéo dài gần 2 tháng.
Điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở Bệnh viện Nhi Đồng 1
Trước đó khoảng 1 tháng cũng có trường hợp bệnh nhi 13 tuổi mắc bệnh tay chân miệng và tử vong khi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, mấy ngày sau thì em trai 3 tuổi được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhưng may mắn chỉ ở độ 2.
Dễ lây qua đồ chơi
BS Tiến cho biết khi một trẻ trong nhà mắc bệnh tay chân miệng thì nguy cơ cho các trẻ khác trong gia đình sẽ rất cao. Điều này dễ hiểu vì anh chị em trong nhà thường chơi với nhau mà bệnh này lại lây lan qua các tiếp xúc trực tiếp. Người chăm sóc cũng có thể là nguồn trung gian truyền bệnh. Nhất là khi người mẹ cho trẻ bị bệnh ăn uống rồi không rửa tay kỹ mà đi pha sữa cho trẻ khác nên vô tình truyền bệnh.
ThS-BS Trần Hoàng Út, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, phân tích: “Bệnh này lây lan qua đường tiêu hóa và thường qua nước bọt hoặc phân. Trẻ em trong một nhà thường chơi chung đồ chơi và nhiều em có thói quen ngậm hoặc cắn đồ chơi, từ đó mà bệnh lây lan. Điều này cũng tương tự như với các bé trong nhà trẻ, các món đồ chơi chung trở thành vật trung gian lây truyền mầm bệnh. Bệnh cũng có thể lây qua ly tách, chén đĩa được người nhà sử dụng chung trong ăn uống”.
“Thời gian ủ bệnh thường kéo dài 3-6 ngày nên nếu trong nhà đã có một trẻ mắc bệnh thì cần theo dõi những trẻ còn lại trong ít nhất một tuần. Sau đó cũng không được chủ quan, vẫn nên tiến hành các biện pháp an toàn, nhất là khi trẻ kia chưa khỏi hẳn bệnh. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường hết sốt, khỏe lại từ ngày thứ 8 nhưng mầm bệnh vẫn có thể lây lan đến hết ngày thứ 10” – BS Tiến lưu ý.
Nên cách ly Theo BS Nguyễn Minh Tiến, nếu phát hiện một trẻ trong nhà bị bệnh tay chân miệng thì cần cách ly với các trẻ khác ít nhất 10 ngày. Có thể gửi bớt các cháu cho người thân chăm sóc hoặc cách ly bằng phòng ở riêng, không cho chơi chung, không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn, bàn chải; các loại bình sữa, ly tách, chén đĩa, đồ chơi… Nên khử trùng toàn bộ vật dụng liên quan đến trẻ bị bệnh bằng cloramin B. Người chăm sóc nên rửa tay kỹ bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn để tránh lây nhiễm từ trẻ bệnh sang trẻ lành. |
Bình luận (0)