Với số mắc tay chân miệng (TCM) là 77.895 trường hợp, trong đó 137 ca tử vong, số mắc mới mỗi tuần vẫn ở mức cao, khoảng 3.000 ca và thời điểm này đang là đỉnh của dịch TCM. Thế nhưng, chủ trì buổi gặp mặt báo chí chiều 25-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn giữ quan điểm: Chưa công bố dịch TCM.
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng trên tay. Ảnh: TTXVN
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc các tỉnh không công bố dịch không phải vì mắc “bệnh thành tích” mà dịch vẫn trong tầm kiểm soát. Bà Tiến cũng khẳng định đúng là mức độ lan rộng và tử vong của bệnh TCM hiện nay đã đến mức gọi là dịch. So sánh với tỉ lệ mắc ở Nhật và Singapore là 2,5 và 3 ca/1.000 dân thì tỉ lệ mắc ở Việt Nam dưới 1 ca/1.000 dân vẫn không phải là cao.
Ở những quốc gia có số mắc và tử vong do TCM cao hơn Việt Nam nhiều lần cũng chưa có nước nào công bố dịch. “Khi công bố dịch nghĩa là đã trong tình trạng khẩn cấp, mọi ban ngành đều đặt trong tình trạng có công bố dịch. Các hoạt động giao thông, du lịch sẽ bị ngưng trệ, các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp... cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Trong khi đó, giám sát cho thấy dịch đang được khống chế vì các địa phương: TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương..., số ca mắc và tử vong đều đang giảm dần trong các tuần gần đây. Rõ ràng, không công bố dịch nhưng các địa phương vẫn tiến hành các biện pháp chống dịch”- Bộ trưởng Bộ Y tế giãi bày.
Cũng theo bà Tiến, tỉ lệ tử vong do TCM của nước ta hiện là 3%, thấp hơn nhiều quốc gia đang có dịch khác. Để đối phó với dịch TCM, ngoài việc cử các đoàn cán bộ đi kiểm tra ở 33 tỉnh trọng điểm, Bộ Y tế cũng mời các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới có chuyên môn sâu trong chống dịch hỗ trợ Việt Nam. Các chuyên gia này cũng đều khẳng định hướng kiểm soát dịch của Việt Nam là tốt.
Lý giải cho nguyên nhân dịch TCM vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu trong nhiều tháng qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhiều lần đổ lỗi do công tác truyền thông. “Điều quan trọng để có thể khống chế dịch hiện nay là truyền thông cho hiệu quả, thậm chí phải làm trước cả phòng dịch bằng hóa chất, dập dịch. Tuy nhiên, nội dung truyền thông thời gian qua chưa hiệu quả, chưa trúng đích, chủ yếu tuyên truyền khử trùng môi trường bằng chloramine B.
Trong khi đó, thông điệp về biện pháp phòng bệnh TCM rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả là: “Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh” còn ít được nói đến”- bà Tiến nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thành lập Vụ Giáo dục sức khỏe và truyền thông y tế. Ở các địa phương diễn biến dịch còn căng thẳng sẽ thành lập các đội tình nguyện viên phòng chống dịch. Cuối buổi gặp mặt báo chí, bà Tiến vẫn nhắc lại thông điệp với bệnh TCM chỉ cần tuyên truyền sâu rộng về thông điệp cho người dân là “Rửa tay bằng xà phòng”.
TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết theo chu kỳ dịch thì trong 1 - 2 tháng nữa, dịch sẽ giảm. “Tuy nhiên, do chưa có biện pháp y tế đặc hiệu để khống chế bệnh là thuốc và vắc- xin nên thời gian tới diễn biến của dịch bệnh vẫn phức tạp” - ông Bình lo ngại. |
Bình luận (0)