Sau khi trồng từ 4-5 năm, sầu riêng "vua" này cho thu hoạch vụ đầu tiên nhưng ngay trong vụ đầu này, nông dân thấy sản lượng thấp và hiệu quả kinh tế không bằng sầu riêng Ri 6 hay Dona. Điều này dẫn đến việc nhiều người chặt bỏ một cách vội vã để chuyển đổi giống sầu riêng khác mà không suy xét chu đáo cả quá trình hay tìm hiểu nguyên nhân để nâng chất lượng, sản lượng.
Tất nhiên, cũng có những trường hợp nông dân chặt bỏ cây sầu riêng này vì không hợp thổ nhưỡng rõ ràng sau giai đoạn thử nghiệm nhưng nếu không vì lý do này thì cần chậm lại để giảm thiểu thiệt hại.
Thời gian qua, không chỉ sầu riêng mà nhiều loại cây trồng khác như: hồ tiêu, cà phê, chanh dây... cũng có tình trạng trồng - chặt theo phong trào, gây lãng phí cho xã hội và thiệt hại cho nông dân, trong đó có người đầu tư bằng vốn vay, để lại nhiều hệ lụy lớn.
Trên thế giới, từ lâu giống sầu riêng Musang King đã được gọi là "vua" của các loại sầu riêng vì chất lượng ngon, được thị trường công nhận với giá bán cao hơn các loại sầu riêng khác của Việt Nam hay Thái Lan. Tuy nhiên, để trồng được sầu riêng loại này ngon và năng suất tốt đòi hỏi thời gian, không thể đạt được ngay trong 1-2 vụ đầu. Việc chặt bỏ ngay những cây sầu riêng Musang King 4-5 tuổi là rất lãng phí và chưa biết cây trồng mới trong vài năm nữa sẽ ra sao.
Hiện nay, đa số nông dân Việt Nam vẫn thích chạy theo cây dễ trồng, năng suất cao trong khi thị trường đang đòi hỏi cao về chất lượng. Nhìn vào trường hợp của Thái Lan, nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới thì khi xuất hiện đối thủ mới là Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, việc làm đầu tiên của họ là tăng chất lượng, chống hái trái non, tăng hàm lượng chất khô từ 32% lên 35% chứ không phải tăng sản lượng để tăng thị phần.
Đến nay, sầu riêng Thái Lan vẫn được thị trường đánh giá cao hơn về chất lượng, sự đồng đều và cả khâu đóng gói, dù họ không có lợi thế như Việt Nam là vị trí địa lý gần, hàng thu hoạch quanh năm.
Những năm qua và cả hiện nay, đặc biệt là sau khi sầu riêng Việt Nam thành công tiến vào thị trường Trung Quốc, cung không đủ cầu nên việc tiêu thụ rất thuận lợi, giá cao. Thế nhưng, chỉ vài năm tới, khi nguồn cung tăng lên từ các nước và cả nội địa Trung Quốc thì tình thế có thể thay đổi. Trong đó, sầu riêng nội địa Trung Quốc có diện tích lên đến 30.000 ha, đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ hiện đại, tôi tin rằng họ sẽ thành công trong tương lai, tương tự với quả thanh long trước đó. Từ khi thanh long nội địa Trung Quốc có sản lượng cao, giá thành tốt, thanh long Việt Nam đã mất thị phần đáng kể tại đây.
Do đó, việc chú ý đầu tư bài bản cho những giống sầu riêng mới, ngon, hợp với thị hiếu người tiêu dùng vẫn là bước đi khôn ngoan, thay vì canh tác theo lối mòn, chạy theo sản lượng và lợi ích ngắn hạn.
Người trồng nên xác định vài năm nữa khi cung vượt cầu, giá sầu riêng sẽ quay về mức thấp, chỉ có những giống sầu riêng chất lượng ngon, giá thành hợp lý thì mới có lợi thế.
Ngọc Ánh ghi
Bình luận (0)