Vụ tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định bị hư hỏng, gỉ sét, xuống cấp do không được đóng đúng loại thép Hàn Quốc ghi trong hợp đồng mà thay bằng thép Trung Quốc đang được các cơ quan thẩm quyền xử lý nhưng dư âm của nó vẫn còn khiến dư luận bức xúc.
Trước hết, cách làm ăn thiếu trung thực, gian dối của cơ sở đóng tàu đã gây ra bao khó khăn, thiệt hại cho chủ tàu. Tàu không thể ra khơi, phải nằm bờ, ngư dân mất thu nhập mà vẫn phải chịu lãi suất vay của ngân hàng. Với con tàu trị giá nhiều tỉ đồng, tiền đóng lãi là không hề nhỏ, chưa kể tiền gốc phải trả.
Tổ chức Liên Hiệp Quốc đánh giá đánh cá là 1 trong 10 nghề nguy hiểm nhất thế giới vì thời gian làm việc trên tàu nhiều, lại ít nghỉ ngơi, phương tiện, điều kiện tự nhiên lao động trên biển tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Nếu với những con tàu không bảo đảm về kỹ thuật, chất lượng thì điều nguy hiểm càng tăng gấp nhiều lần.
Hơn nữa, mỗi chiếc tàu đánh cá không chỉ giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho ngư dân, nuôi sống nhiều gia đình, cơ hội học tập của con em họ mà còn đem lại nguồn ngoại tệ cho đất nước khi xuất khẩu hải sản. Đặc biệt, từng con tàu còn là một cột mốc di động trên biển, thể hiện chủ quyền biển đảo.
Thiên tai do ông trời gây ra, nếu con người chủ động, có thể phòng tránh khi thiên nhiên giận dữ nhưng với việc làm ăn dối trá, đóng vỏ tàu kém chất lượng, lắp máy không chính hãng… thì khác nào đẩy ngư dân vào nơi hiểm nguy vì họ hoàn toàn không hay biết để phòng ngừa và chủ động xử lý.
Có nhiều cách tăng thu nhập, sinh lợi nếu biết ứng dụng công nghệ, cải tiến sản xuất, tiết kiệm chi phí… Còn kiếm lời, tăng lợi nhuận trên tính mạng người dân bằng cách làm ăn thiếu trung thực thì đó là hành vi trục lợi trên sinh mạng ngư dân, là tội ác!.
Bình luận (0)