Chiều 11-7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở TP Hải Phòng), Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở tỉnh Nam Định) và các ngư dân ở địa phương để bàn về phương án khắc phục, sửa chữa tàu vỏ thép hư hỏng.
Lo tàu nằm bờ lâu
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, ngoài 18 tàu hư hỏng đã được thẩm định, gần đây có 2 tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu đóng cũng xuất hiện gỉ sét trên phần vỏ, hầm bảo quản đọng nước... Qua đó, 2 chủ tàu này đề nghị sửa chữa và được cơ sở đóng tàu đồng ý đưa vào danh sách khắc phục. Như vậy có tất cả 20 tàu vỏ thép hư hỏng phải sửa chữa, trong đó 15 tàu do Công ty Nam Triệu đóng và 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng.
Tại buổi làm việc, trên cơ sở kết luận của UBND tỉnh Bình Định, các ngư dân cơ bản đồng ý với phương án sửa chữa, khắc phục do 2 doanh nghiệp đóng tàu đưa ra. Theo đó, ngư dân yêu cầu việc sửa chữa, khắc phục tàu phải được khẩn trương để tàu sớm ra khơi.
Tàu vỏ thép hư hỏng của ngư dân Bình Định được đưa lên đà sửa chữa
Đáng chú ý là hầu hết chủ tàu chấp thuận giữ nguyên vỏ thép Trung Quốc thay vì đóng lại thép Hàn Quốc như cam kết hợp đồng. Thay vào đó, các chủ tàu đề nghị cơ sở đóng tàu trả lại tiền chênh lệch giữa 2 loại thép. "Để hoàn thành việc thay lại thép vỏ tàu theo đúng hợp đồng phải mất 6-8 tháng nữa. Chờ lâu như vậy chúng tôi biết lấy gì để sinh sống, trả nợ ngân hàng? Chi bằng để nguyên trạng vỏ tàu, yêu cầu họ chống gỉ sét để sớm ra khơi. Khoản tiền chênh lệch giữa hai loại thép dùng trả nợ ngân hàng trong thời gian tàu nằm bờ" - ngư dân Võ Tuân (ngụ huyện Phù Mỹ) nêu lý do. Ông Tuân là chủ tàu BĐ 99018 TS, một trong 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng.
Đề nghị của ngư dân cũng là… mong mỏi bấy lâu nay của mình nên 2 doanh nghiệp đóng tàu đồng ý ngay. Công ty Đại Nguyên Dương cam kết khắc phục nhanh cũng như chi trả tiền chênh lệch theo yêu cầu của ngư dân.
Vì cái lợi trước mắt
Trước việc các chủ tàu đề nghị giữ vỏ tàu thép Trung Quốc để được bồi thường chênh lệch, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, bày tỏ nhiều băn khoăn khi ngư dân chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt. Bởi lẽ, sau lần khắc phục này, nếu vỏ tàu lại xuống cấp, gỉ sắt, rất khó để ràng buộc trách nhiệm với cơ sở đóng tàu. Đó là chưa nói về sau, nếu tàu tiếp tục nằm bờ để sửa chữa, thiệt hại phát sinh cho ngư dân là khó tránh khỏi. "Quan điểm của tỉnh Bình Định là cơ sở đóng tàu phải thay toàn bộ thép vỏ tàu không đúng như trong hợp đồng. Còn việc ngư dân và cơ sở đóng tàu tự thỏa thuận với nhau như vậy phải chờ xem Bộ NN-PTNT có thống nhất hay không rồi mới quyết định được" - ông Phan Trọng Hổ nói.
Cũng vì lý do này, theo yêu cầu của UBND tỉnh Bình Định, các doanh nghiệp đóng tàu phải thay lại thép Hàn Quốc cấp A. Đối với vỏ tàu đóng lại bằng thép Hàn Quốc, các chỉ số cơ lý, lý hóa phải đạt tiêu chuẩn quy định.
Đề nghị trả lại tiền thiết kế
Cũng tại buổi làm việc, nhiều ngư dân yêu cầu các cơ sở đóng tàu trả lại tiền thiết kế mẫu cho ngư dân theo kết luận của UBND tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, đại diện 2 cơ sở đóng tàu cho rằng các chủ tàu không chọn mẫu thiết kế kỹ thuật tàu cá vỏ thép trong 21 mẫu được Bộ NN-PTNT phê duyệt và công bố mà lựa chọn mẫu thiết kế tàu do họ thực hiện, trình duyệt riêng cho từng chủ tàu. Toàn bộ chi phí thiết kế đã đưa vào dự toán và được chủ tàu đồng ý, thẩm định giá duyệt dự toán nên không có cơ sở buộc cơ sở đóng tàu trả lại.
Trước diễn biến bất ngờ này, ông Phan Trọng Hổ yêu cầu 2 cơ sở đóng tàu phải cung cấp các hợp đồng thiết kế riêng theo yêu cầu của ngư dân như đã nói, nếu không phải trả lại tiền cho ngư dân.
Bình luận (0)