Học sinh Trường Lê Quý Đôn. Ảnh: N.HỮU
Thầy cô lo lắng
Tôi thấy chưa ổn trong cách giải quyết sự việc của Sở GD-ĐT TPHCM. Mục đích của thầy Bình phạt học sinh bằng “thụt dầu” là gì, có phải có ác ý gì với học sinh? Tôi cho rằng, trong thâm tâm việc rèn học sinh đều nhằm hướng các em đến cái thiện, cái tốt đẹp, tuy cách làm của thầy không được sự đồng tình của nhà trường và một số phụ huynh học sinh. Nếu kỷ luật thôi việc với thầy Bình là quá nặng và có thể lại còn phản tác dụng trong ngành giáo dục. Sau vụ này, hẳn sẽ có nhiều thầy cô bởi vì sợ bị đuổi việc như thầy Bình, mà chỉ biết lên lớp và dạy chuyên môn, còn những việc khác của học sinh không quan tâm làm gì cho khổ.
Văn Lộc (một giáo viên tại TPHCM)
Cần thận trọng khi đánh giá người thầy
Thầy Bình có vi phạm điều lệ trường khi xử phạt quá nặng học sinh của mình. Tuy nhiên, điều lệ trường không quy định hình thức vi phạm nào sẽ bị buộc thôi việc.Vậy Sở GD-ĐT TPHCM căn cứ vào điều, khoản nào để áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất này? Đề nghị các quan chức ngành GD-ĐT TPHCM cẩn trọng khi quy kết tội “vi phạm đạo đức nhà giáo” đối với một thầy giáo. Thử so sánh hành động của thầy Bình với các trường hợp vô cảm trước những hành vi vi phạm của học trò thì ai mới là vi phạm đạo đức nhà giáo?
Thầy Bình có sai phạm nhưng phải nhận hình phạt nào? Căn cứ vào đâu? Xin các thầy thực hiện cho hợp lý, hợp tình.
Văn Châu (một cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn)
Nhìn vấn đề nhân văn hơn
Tôi cho rằng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với thầy Bình là không thấu tình đạt lý. Dù biết rằng thầy làm như thế là sai nhưng hãy xem xét lại động cơ của hành động ấy và xem xét lại toàn bộ quá trình công tác của thầy thì có lẽ sẽ có một quyết định hợp tình hợp lý hơn. Hãy nhìn nhận vấn đề một cách nhân văn hơn để những người trong cuộc cảm thấy an tâm với công việc.
Hoàng Lan (TPHCM)
“Thụt dầu” là chuyện bình thường
Tôi cũng có con trai đang học THPT. Nhân việc thầy Bình, tôi hỏi cháu: “Nếu việc này xảy ra với gia đình mình, theo con chúng ta nên làm sao? “. Con tôi dứt khoát: “Con sẽ bảo vệ thầy đến cùng. Dù sao thầy vẫn là thầy, con vẫn kính trọng thầy, con nghĩ cái xui của mình thì mình chịu”.
Nghe con nói vậy, tôi thật sự hài lòng. Nhà trường kêu gọi nên giáo dục con em kính trọng thầy cô như truyền thống thời cha mẹ chúng ngày trước, nhưng khi đụng việc cụ thể thì hành xử... trớt quớt, chẳng hạn như... bươi móc chuyện xảy ra từ 17 năm trước. Tôi đã làm mẹ, tôi hiểu cái xót xa khi “cục cưng” của mình bị tổn hại, nhưng chắc chắn tôi không để thầy cô của cháu bị tổn hại theo vì một chuyện hy hữu như vậy. Ngày trước, học trò chúng tôi bị “thụt dầu” 50 - 70 - 100 cái, hay nhảy cóc mấy vòng sân trường là chuyện bình thường. Hình thức buộc thôi việc thầy Bình là phi lý.
Lê Minh Diệp (diep10@...)
Có còn tôn sư trọng đạo?
Tôi nghĩ sự việc này đã bị đẩy đi quá xa so với thực chất của nó, trong đó báo chí góp phần không nhỏ làm nghiêm trọng hóa vấn đề. Đọc bài báo đầu tiên về “Học sinh nhập viện vì bị thầy giáo phạt “thụt dầu” 100 lần” thử hỏi có ai không bức xúc. Tuy nhiên, rồi ai cũng cảm thông, chấp nhận được lý do vì sao có hình phạt ấy, thậm chí dư luận còn lên tiếng bênh vực người thầy.
Là người cũng có con trong độ tuổi mới lớn, hiếu động, muốn khẳng định mình, tôi luôn mong con mình được những người thầy cô tận tâm dạy dỗ cả về kiến thức và nhân cách. Vì vậy, tôi chẳng thể nào hiểu được lý do kỷ luật buộc thôi việc thầy Bình. Làm như vậy, thế hệ sau này có còn biết tôn sư trọng đạo nữa không?
Lê Thu Hà (TPHCM)
Bình luận (0)