Không thể chấp nhận
K+, kênh truyền hình có một phần đầu tư của Nhà nước lại độc quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh ngày chủ nhật, tăng giá thuê bao lên gấp 6 lần khiến rất nhiều người dân bất bình. Người hâm mộ bóng đá bức xúc khi tiền thuê bao quá cao khiến người có thu nhập thấp khó có thể tiếp cận được kênh giải trí này. Trong khi đó, K+ là con đẻ của VTV, mà VTV hoạt động do Nhà nước đầu tư tức là tiền do người dân đóng thuế. Đây là điều vô lý không thể chấp nhận. Người dân mong những người có trách nhiệm có giải pháp tích cực để người dân nghèo tiếp cận được các chương trình mà mình yêu thích.
Võ Quốc Hùng (TPHCM)
Nhiều khách hàng phản ứng K+ độc quyền tăng giá dịch vụ quá cao. Ảnh: MẠNH DUY
Dịch vụ phải vì cộng đồng
Người dân VN hiện tại sống trong hoàn cảnh vật giá leo thang từng ngày và đại đa số người dân đều sống trong điều kiện thu nhập thấp. Tôi nghĩ khó có ai chấp nhận nổi mức giá xem thuê bao truyền hình của K+ đưa ra như vậy.
Nếu các công ty truyền thông K+, AVG cũng như VFF không thương dân và đi ngược lại lợi ích của cộng đồng thì cần phải chung sức tẩy chay họ. Cũng cần xem lại những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này có coi trọng quyền lợi của dân hay không khi mà họ cho phép các công ty này độc quyền trong kinh doanh như vậy.
Duyên Hà (Đồng Nai)
Tẩy chay vì độc quyền nâng giá
Để tạo điều kiện cho người dân tiếp xúc được với các chương trình giải trí, góp phần nâng cao chất lượng sống, lẽ ra VTV phải tạo ra nhiều chương trình hấp dẫn để phục vụ khán giả. Đằng này lại đi liên kết với một kênh truyền hình nước ngoài để cho ra đời kênh K+. Do là kênh độc quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh nên K+ muốn tăng giá thuê bao bao nhiêu tùy hứng.
Giá thuê bao cao ngất ngưởng khiến nhiều người dân thu nhập thấp không thể xem được. Sự việc đã lên đến đỉnh điểm khi Hội Cổ động viên bóng đá VN viết thư gửi lên Thủ tướng Chính phủ phản đối K+. Thậm chí, một đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng về vấn đề này. Tuy nhiên, bộ chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông cũng không có hướng xử lý với việc độc quyền của K+. Đến lúc này, người tiêu dùng chỉ còn cách là hãy bảo vệ mình bằng cách cùng nhau tẩy chay kênh truyền hình này.
Nguyễn Thiên Bửu (TPHCM)
Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch Hội Cổ động viên VN,
ký thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ phản đối việc K+ độc quyền tăng giá. Ảnh: QUANG LIÊM
Coi thường khách hàng
Tôi không hiểu vì sao ông Cao Văn Liết (Tổng Giám đốc K+) lại nói “có lẽ chúng tôi cũng không phải chịu trách nhiệm về chuyện thu nhập của người dân VN cao hay thấp”. Khi xây dựng chiến lược cho sản phẩm, ông có thông tin từ đâu? Và tôi không tin ông Liết biết 80% dân số có thu nhập dưới 3 triệu đồng/tháng. Vậy khi ông xây dựng chiến lược dựa trên nền kinh tế VN hay nền kinh tế của các nước phát triển?
Tôi dám chắc K+ biết rất rõ sự phản đối của các khách hàng nhưng có lẽ hợp đồng đã ký với Canal hay một vài cổ đông và ông Liết không thể làm khác được. Có nghĩa ông ta đã đặt một vài tổ chức và bản thân ông lên trên quyền lợi của số đông khách hàng. Tôi nghĩ bác Nguyễn Đức Trung (Chủ tịch Hội Cổ động viên VN) nên thu thập chữ ký của 40 triệu người, nghĩa là chiếm 1/2 dân số để tẩy chay K+.
Đừng vì lợi ích cục bộ
Cái liên minh (K+) đó mỗi năm nộp ngân sách Nhà nước bao nhiêu tiền? Số tiền đó có mua được niềm tin của khán giả VTV đã đánh mất từ khi liên minh đó ra đời hay không? Nếu không có số tiền liên minh đó thì ngân sách Nhà nước có khó khăn thêm hay không? Tôi nghĩ là không. Vậy dẹp bỏ cái liên minh ấy đi để tạo ra niềm tin cho đông đảo quần chúng nhân dân là việc cần làm ngay. Cái gì thuận lòng dân thì chúng ta cần làm, đừng vì một ít lợi ích cục bộ của số ít người.
Nếu như K+ hướng đến khách hàng có thu nhập cao thì không có gì để nói. Còn nếu K+ hướng đến phục vụ đa số người dân VN thì phải xem lại chiến lược của mình.
Hiệp Hoan (TPHCM)
Hãy đoàn kết bảo vệ quyền lợi
Tôi ủng hộ cách làm của Hội Cổ động viên VN. Người hâm mộ bóng đá nên có một cách đấu tranh thống nhất, không riêng gì với K+ mà sẽ còn nhiều đài truyền hình khác khi họ độc quyền, bất chấp khán giả. Nên thành lập hiệp hội khán giả truyền hình VN để cùng nhau bảo vệ quyền lợi của mình.
Hãy hành động bằng cách ký tên hưởng ứng phong trào “Một triệu chữ ký phản đối K+” của Hội Cổ động viên VN trên trang http://www.vff-fan.vn/. Gửi link này đến bạn bè và người thân để chung tay đẩy lùi nạn độc quyền. Tẩy chay là chúng ta phải làm bằng hành động chứ đừng chỉ nói suông. Tất cả chúng ta chấp nhận không thuê bao K+ nữa, khi đó mới có tác dụng, chứ về nhà vẫn cứ lắp đặt, cứ thuê bao của họ thì chẳng làm gì được đâu.
Sơn Lộc (TPHCM)
Người dân bị thiệt thòi
Khi cuộc tranh cãi về việc phát sóng độc quyền của K+ chưa được giải quyết thì mới đây, bản quyền của V-League được AVG thỏa thuận mua. Việc liên tục có nhiều đơn vị mua bản quyền các giải bóng đá khiến người hâm mộ bóng đá VN sẽ tiếp tục bị thiệt thòi. Người hâm mộ sẽ khó tiếp cận được với các giải bóng đá hay khi các kênh này chạy theo lợi nhuận đã ra giá dịch vụ cao ngất ngưởng, bất chấp quyền lợi của số đông khách hàng. Khi thỏa thuận bán bản quyền, VFF có nghĩ tới việc là sau này AVG sẽ làm giá với khách hàng hay không? Hay chỉ vì lợi ích cục bộ của một số cá nhân, đơn vị mà khiến nhiều người dân phải chịu thiệt thòi.
Nguyễn Hoàng Ngân (TPHCM)
Bình luận (0)