Nhiều tuyến đường tại TPHCM sau khi làm các công trình ngầm, đơn vị thi công đã tái lập mặt đường rất sơ sài. Có nơi rải đá dăm, đá cục nhưng chờ mãi không thấy tráng nhựa. Đôi khi phần đường vừa sửa thấp hơn mặt đường, tạo thành một cái rãnh chạy dài, người đi xe hai bánh rất dễ bị trượt ngã. Có những đoạn chỉ được trám lớp nhựa mỏng bên trên. Vì thế, sau một thời gian ngắn, mặt đường trở thành ổ gà, ổ voi. Việc tái lập mặt đường, nhiều nơi chỉ làm cho có.
Một đoạn đường ở TPHCM bị hư hại nặng sau khi lô cốt được dỡ
Thi công cẩu thả
Trên đường Phan Đăng Lưu, đường Nguyễn Văn Trỗi (Q. Phú Nhuận), sau thời gian dài đơn vị thi công, dựng lô cốt để thi công công trình ngầm, nay khi lô cốt đã được dỡ đi thì mặt đường chỗ cao chỗ thấp, việc lưu thông rất khó khăn. Việc tái lập đường ở đây diễn ra một cách cẩu thả. Chỉ cần một trận mưa, mặt đường đã biến thành những vũng nước. Tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), đơn vị thi công đã tháo dỡ nhiều đoạn lô cốt nhưng việc tái lập mặt đường nhan nhản ổ gà, ổ voi và bùn đất rơi vãi khắp nơi. Mỗi khi gặp trời mưa, đường phố này lầy lội chẳng khác gì đường ruộng. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra tại đây do đường xấu nhưng vẫn chưa thấy đơn vị thi công tiến hành cải tạo mặt đường.
Đường Đinh Tiên Hoàng (Q. Bình Thạnh), có nhiều vị trí chưa được tái lập phần phui đào mặc dù rào chắn tháo dọn đã lâu. Anh Nguyễn Thành
Gây thêm ùn tắc giao thông
Tại công trường ở đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình) có lưu lượng xe lưu thông với số lượng lớn nhưng sau khi tháo dỡ hàng rào để dịch chuyển lô cốt sang vị trí mới, đơn vị thi công không tái lập ngay phần đã đào (rộng bằng phân nửa mặt đường, dài tới 50-70 m). Vào giờ cao điểm, tại con đường này (bên hông Công viên Hoàng Văn Thụ) các loại xe phải nhích từng chút một khiến giao thông bị ùn tắc.
Ở các giao lộ Hùng Vương– Sư Vạn Hạnh, Sư Vạn Hạnh- Nguyễn Chí Thanh, Võ Thị Sáu– Phan Liêm thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP, đơn vị thi công tái lập mặt đường quá chậm, khiến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở các giao lộ này. Trên các đường Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận), Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh) có một số đoạn mặt đường mới được tái lập đã bị lún, gợn sóng. Tệ nhất là đường Phan Đăng Lưu (đoạn gần siêu thị Hà Nội), mặt đường bị lún 20-30 cm. Các tuyến đường Nguyễn Kiệm, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trường Chinh, Âu Cơ... có nhiều điểm dù đã tái lập mặt đường, nhưng có lẽ người ta chỉ làm một cách sơ sài nên mặt đường nham nhở. Chính việc tái lập mặt đường như vậy đã góp thêm phần làm ùn tắc giao thông.
Tại Quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Bình Chánh - TPHCM để đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sau khi đã dỡ lô cốt, đơn vị thi công không kịp thời tái lập mặt đường. Hiện tại mặt đường ở đây chẳng khác nào một công trường đang thi công dở dang. Đây là tuyến đường huyết mạch, cửa ngõ của TPHCM nên lưu lượng xe cộ rất lớn. Việc thi công cẩu thả khiến giao thông liên tục bị ùn tắc. Sự thiệt hại của việc chờ đợi này nếu tính bằng vật chất thì vô cùng lớn. Những ngày qua, các loại xe nhỏ đều phải tìm cách đi đường vòng để tránh đoạn đường thường kẹt xe này.
Người dân đã khốn khổ vì nạn “lô cốt” đường phố, nay càng thêm bực bội vì mặt đường đã bị phá nát gây khó khăn cho lưu thông. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có biện pháp chế tài đủ mạnh để buộc các đơn vị thi công sau khi tháo dỡ lô cốt phải tái lập mặt đường kịp thời, đúng chất lượng.
Bình luận (0)