Ông Bùi Văn Châu, ngụ 1/16 ấp Đồng Tranh, cho biết năm 2000, gia đình ông làm 3 ao nuôi cá để cải thiện đời sống. Năm 2003, UBND xã Long Hòa thông báo khu đất nhà ông nằm trong diện quy hoạch khu dân cư và 3 cái ao sẽ bị san lấp.
Đất đã thành khu dân cư mới
Mặc dù chưa có quyết định bồi thường, bảng chiết tính đất đai, tài sản trên đất và số tiền bồi thường nhưng chủ đầu tư vẫn bơm cát vào san lấp đất của ông Châu và nhiều người khác. Ông Châu hỏi đơn vị san lấp sao chưa có quyết định mà lại bơm cát vào thì những người này chỉ trả lời “đất của ông vẫn còn đó chứ có ai lấy đâu”. Cho đến khi khu dân cư mới hình thành, người dân từ nơi khác về cất nhà sinh sống, gia đình ông Châu vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
Nhìn về những căn nhà mà trước đây là 3 cái ao của gia đình mình, ông Châu bức xúc: “Huyện lấy đất của dân san lấp rồi bán cho người khác nhưng sao không trả tiền bồi thường cho chúng tôi ổn định cuộc sống”.
Nhà mái tranh của một hộ dân ở ấp Đồng Tranh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP HCM vướng quy hoạch nên không thể xây dựng
Nhà bà Nguyễn Thị Hoa, ấp Đồng Tranh, cũng bị thu hồi đất nhưng chưa nhận được quyết định bồi thường. Bà Hoa cho biết năm 2009, gia đình bà nhận được một bảng chiết tính tiền bồi thường nhưng lên Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Cần Giờ để nhận tiền thì nơi này trả lời không có tiền. Các thửa đất khác của gia đình bà Hoa cũng vướng trong quy hoạch cây xanh.
“Tôi muốn bán đi một vài thửa đất để có tiền chữa bệnh cho chồng nhưng không bán được” - bà Hoa nói. Cách đó không xa là nhà bà Bùi Thị Bạch Yến cũng bị thu hồi và vướng trong quy hoạch cây xanh. Căn nhà mái lá dừa với nhiều cột gỗ bị mục phải thay thường xuyên nằm xiêu vẹo là nơi sinh sống của các thành viên trong nhà.
Trong thời gian chờ bồi thường, nhiều người có đất bị thu hồi bị bệnh tật, như ông Nguyễn Thành Trung phải nằm liệt giường, ông Bùi Văn Á phải đi xe lăn và một số người bị tai biến nhẹ khác, đời sống và sinh hoạt của họ cùng gia đình rất khó khăn.
Sẽ bồi thường theo giá trị hiện tại
Do bị thu hồi đất mà chờ mãi không thấy bồi thường nên các hộ dân làm đơn phản ánh gửi UBND huyện Cần Giờ và UBND TP HCM. Đến ngày 25-4-2013, UBND huyện Cần Giờ có văn bản trả lời các hộ dân rằng đã giao chủ đầu tư hoàn tất thủ tục quy hoạch, giao đất và phê duyệt dự án; đồng thời đề nghị UBND TP bố trí vốn để thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân.
Gần một năm sau, tháng 1-2014, UBND huyện Cần Giờ lại tiếp tục đề nghị các hộ dân thông cảm và hứa trong quý II/2014 sẽ hoàn thành việc bồi thường cho những hộ dân bị thu hồi đất.
Hơn 2 năm sau, tháng 5-2016, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển trả lời người dân rằng TP đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, huyện đã phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500 và đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục pháp lý để làm cơ sở bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ông Phạm Minh Châu, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Cần Giờ, cho biết năm 2004, huyện Cần Giờ xây dựng 8 khu tái định cư để phục vụ đề án di dời 1.280 hộ dân ven sông, biển và vùng trũng thấp. Trong 8 khu tái định cư này chỉ có 4 khu thực hiện việc giải phóng mặt bằng, trong đó có khu tái định cư Đồng Tranh. Năm 2004, các dự án được triển khai đồng loạt nhưng sau đó TP thanh tra và phát hiện có sai sót trong pháp lý và quy hoạch nên phải tạm ngưng.
Đối với khu tái định cư Đồng Tranh, khi thu hồi đất đã đo vẽ hiện trạng nhưng chưa bồi thường vì chưa được cấp kinh phí. Hiện nay, chủ đầu tư của dự án là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Cần Giờ đang phối hợp với các sở, ngành hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý. Khi dự án được phê duyệt, huyện sẽ thống nhất lại hiện trạng cũ với người dân để làm căn cứ bồi thường, giá đất và tài sản trên đất được tính theo giá trị hiện tại.
Bà Bùi Thị Bạch Yến muốn xây lại nhà cho các con có chỗ ở rộng rãi hơn nhưng vướng quy hoạch nên huyện không cấp phép. “Nếu nhà nước thu hồi thì chúng tôi sẵn sàng giao đất, chỉ cần bố trí cho gia đình tôi một nền đất trong khu dân cư để chúng tôi an cư lạc nghiệp” - bà Yến bày tỏ.
Bình luận (0)