xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nóng chuyện bồi thường oan sai

Văn Duẩn - Phương Nhung - Nguyễn Quyết

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận bồi thường oan sai theo đúng quy định thì phải có chứng cứ, đầy đủ giấy tờ, xác nhận chi tiêu nhưng được bồi thường không bao nhiêu

Chiều 27-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi). Đại biểu (ĐB) Nguyễn Hòa Bình (Quảng Ngãi), Chánh án TAND Tối cao, cho rằng gây thiệt hại cho dân thì phải bồi thường nhưng khi thực thi thì rất khó.

Phải cân bằng cả hai vế

Tại buổi thảo luận tổ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đề nghị Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao xem lại việc TAND tỉnh Bình Thuận chỉ chấp nhận bồi thường cho 17 năm tù oan của ông Huỳnh Văn Nén số tiền 2,6 tỉ đồng. Theo bà Nga, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước cực kỳ quan trọng nên khi xây dựng phải bảo đảm cân bằng cả hai vế: quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong tham gia hoạt động về hành chính và tố tụng; bảo đảm thúc đẩy hoạt động bình thường của cán bộ, công chức, chức danh tố tụng và cơ quan nhà nước. Vì vậy, nếu nghiêng về một bên thì rất khó.

“Cơ quan soạn thảo phải mời Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao để cùng rà soát từng chữ, từng trường hợp cụ thể, chứ tờ trình nói một đằng, dự thảo nói một nẻo” - bà Nga băn khoăn.

Liên quan đến một số trường hợp bị oan sai, gây bức xúc dư luận nhưng thời gian đòi bồi thường bị kéo dài, bà Nga đề nghị phải xem xét lại quy trình giải quyết. Vụ ông Huỳnh Văn Nén lúc đầu thỏa thuận bồi thường hơn 10 tỉ đồng nhưng sau đó rút xuống còn 2,6 tỉ đồng. Ông Nén đi tù hơn 17 năm, bây giờ làm sao có đủ giấy tờ để chứng minh thiệt hại?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ông Chấn ngồi tù oan 10 năm được bồi thường 7,2 tỉ đồng nhưng ông Nén ngồi tù 17 năm lại chỉ muốn bồi thường 2,6 tỉ đồng. Vì vậy, đề nghị phải tính toán để bảo đảm công bằng giữa các trường hợp.

“Tôi đề nghị Chánh án TADN Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao phải xem xét trường hợp này, chứ đi tù lâu thế không còn hóa đơn thì cách xác định chi phí hợp lý như thế nào để một người bị oan phía Nam cũng được bồi thường giống một người ở phía Bắc. Các vụ án nổi cộm lớn thế này chỉ có một số vụ thôi. Vì vậy, chánh án và viện trưởng cần xem xét chỉ đạo giải quyết, tránh kéo dài quá lâu thời gian giải quyết bồi thường” - bà Nga thẳng thắn.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, cho rằng với trách nhiệm của cơ quan làm oan sai, tòa án phải rà soát thật kỹ, vận dụng tối đa để bồi thường thỏa đáng nhất, cao nhất cho ông Nén.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị tránh kéo dài quá lâu thời gian giải quyết bồi thường oan saiẢnh: Văn Duẩn

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị tránh kéo dài quá lâu thời gian giải quyết bồi thường oan saiẢnh: Văn Duẩn

Khó tính toán bồi thường

Thảo luận ở tổ Quảng Ngãi, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng với lĩnh vực hình sự, dù đã làm nhiều năm nay, có kinh nghiệm nhưng vẫn có rất nhiều khó khăn trong việc tính toán bồi thường. Về trách nhiệm hoàn trả cũng như nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ khi gây thiệt hại, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết dự thảo chỉ nói tới việc phải thu hồi tiền bồi thường nhưng thu hồi của ai thì chưa thấy đề cập.

Theo Chánh án TAND Tối cao, trong luật cũ, nếu lỗi ở giai đoạn điều tra thì cơ quan điều tra phải bồi thường, xử lý điều tra viên; nếu ở giai đoạn truy tố thì VKS phải bồi thường, xử lý kiểm sát viên; ở giai đoạn xét xử thì tòa án phải bồi thường, thẩm phán bị kỷ luật. “Như vậy, được hiểu là ông bị kỷ luật có nghĩa ông phải bồi thường” - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng giai đoạn sau chịu ảnh hưởng trách nhiệm của giai đoạn trước. Vì vậy, đề nghị nếu sai trong giai đoạn điều tra thì cơ quan điều tra phải bồi thường và xin lỗi, điều tra viên phải bị kỷ luật. Giai đoạn truy tố thì VKS phải xin lỗi, bồi thường nhưng xử lý kỷ luật phải xử lý cả kiểm sát viên, điều tra viên cũng như phải chung trách nhiệm bồi hoàn.

“Đến giai đoạn xét xử, tuyên án sai thì tòa phải xin lỗi, bồi thường nhưng phải xử lý cả 3 cơ quan nêu trên. Phải chịu trách nhiệm như thế, chứ cứ làm xong, chuyển sang cơ quan khác rồi vô can là không công bằng bởi đây là sản phẩm chung của các quá trình. Quan điểm của chúng tôi là cơ quan nào làm việc sai thì phải đứng ra bồi thường theo dự kiến của dự thảo này” - ông Bình góp ý.

Lý giải về khó khăn trong tính toán bồi thường oan, sai, Chánh án TAND Tối cao cho biết bồi thường theo kiểu nào cũng bị lên án. Bồi thường theo đúng quy định thì phải có chứng cứ, đầy đủ giấy tờ, xác nhận chi tiêu nhưng được bồi thường không bao nhiêu cả, lúc đó lại lên tiếng.

“Ví dụ vụ ông Huỳnh Văn Nén, nếu theo đúng quy định của Bộ Tài chính thì dư luận sẽ đặt ra câu hỏi sao tù oan mười mấy năm lại chỉ bồi thường có bấy nhiêu tiền. Nếu vận dụng số tiền quá nhiều thì cũng có luồng dư luận khác lên án là tại sao tiền của nhà nước mất như thế, ví dụ như vụ ông Chấn” - ông Bình bày tỏ.

Vì vậy, Chánh án TAND Tối cao cho rằng trên thực tế, khi vận dụng luật có hướng dẫn bao nhiêu cũng không đủ bởi có những khoản không thể nào chứng cứ hóa được, như thiệt hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần.

Trao quyền cho Bộ trưởng Công Thương quá nhiều

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Quản lý ngoại thương. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Thảo luận tại tổ, ĐB Nguyễn Minh Đức (TP HCM) cho rằng mục tiêu quản lý ngoại thương là nhằm đưa việc quản lý xuất nhập khẩu đi vào đường ray tốt nhất, phục vụ nền kinh tế. Đáng lý xuất khẩu càng thông thoáng càng tốt để đem lại lợi nhuận cho đất nước nhưng tiếc là dự luật quy định siết cả xuất khẩu, nhập khẩu, nhiều quy định cơ chế dễ dẫn tới xin - cho, ảnh hưởng tới sản xuất.

Theo ĐB Nguyễn Minh Đức, thẩm quyền áp dụng tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa theo điều 14 của dự án quy định “Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan” là đã trao quyền cho Bộ trưởng Bộ Công Thương quá nhiều. Nhu cầu của doanh nghiệp là cần được cung cấp thông tin nên luật cần quy định “thẳng” Bộ Công Thương phải “cung cấp thông tin” cho doanh nghiệp, tránh tình trạng như nhiều trường hợp xuất khẩu dưa hấu tại Lạng Sơn, sau đó Trung Quốc thay đổi chính sách thì hàng đoàn xe kéo dài hàng chục km, rồi mang dưa đổ đi hàng loạt.

“Đó là do thiếu thông tin. Trách nhiệm của Bộ Công Thương chính là chỗ này” - ông Đức nhấn mạnh.

Lấy tiền thu từ tham nhũng để bồi thường

Về vấn đề tiền đâu để bồi thường oan sai, theo ông Nguyễn Hòa Bình, dư luận và cả trên diễn đàn QH cũng đặt ra: Tiền của nhân dân đóng thuế không phải để chi trả cho chuyện các cơ quan điều tra, tố tụng làm sai. “Trên thế giới, nhiều nước lập ra quỹ từ các khoản tiền thu được qua buôn lậu, tham ô, ma túy... và lấy tiền đó để trả cho bồi thường. Như vậy, việc bồi thường sẽ không phải lấy từ tiền thuế của dân và nhiều nước đã làm được” - ông Bình đề xuất và đề nghị QH xem xét.

Vụ ông Vũ Huy Hoàng: Sai đâu xử đó

Sáng 27-10, bên hành lang QH, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trao đổi với báo chí xung quanh kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 vi phạm các quy định của Đảng, nhà nước đối với công tác cán bộ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết khi nhận được kết luận chính thức, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương sẽ tổ chức họp cũng như quán triệt tổ chức triển khai thực hiện. Quan điểm của Bộ Công Thương là tiếp thu đầy đủ tinh thần trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương. Về việc xử lý, nguyên tắc là sai đâu xử đó.

Với riêng trường hợp sai sót trong quá trình bổ nhiệm Vũ Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá một số sai phạm thể hiện rõ trong quá tình nghiên cứu quy định pháp luật cũng như hướng dẫn quy định của nhà nước chưa toàn diện, cách hiểu chưa đầy đủ theo bối cảnh chung cũng như trong quản lý nhà nước. Điều này dẫn đến việc bổ nhiệm, luân chuyển bộc lộ sai phạm trong hiểu biết, cách đưa ra quyết định về nhân sự.

Với việc xử lý ông Vũ Huy Hoàng khi ông đã về hưu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay ông không có thẩm quyền quản lý vấn đề này. “Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kết luận về kỷ luật Đảng đối với các tập thể, cá nhân của Bộ Công Thương, Ban Cán sự Đảng phải chấp hành. Nội dung kết luận nêu rất rõ. Tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tổ chức việc kiểm điểm trách nhiệm và có các hình thức xem xét xử lý trách nhiệm phù hợp với những vi phạm, sai phạm nếu có như kết luận đã nêu” - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo