Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, mức phí dự kiến áp dụng:
- Xe đến 9 chỗ và xe tải có tải trọng ≤ 1,5 tấn khi giữ xe qua đêm tại khu vực các quận 1, 3, 5 là 150.000 đồng, giữ qua đêm tại các khu vực quận 10, 11 là 120.000 đồng.
- Xe từ 10 đến 16 chỗ và xe tải có tải trọng > 1,5 tấn và ≤ 2,5 tấn khi giữ qua đêm tại khu vực các quận 1, 3, 5 là 180.000 đồng, tại các khu vực quận 10, 11 là 150.000 đồng.
Thứ nhất: Nếu đối chiếu với số liệu thống kê tại phụ lục 1 của dự thảo về giá trông giữ xe tại một số trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng trên địa bàn TP tại quận 1 và một số quận trung tâm thì mức giá gửi xe qua đêm tại một số trung tâm thương mại là từ 150.000 đến 200.000 đồng.
Có thể thấy: nếu so sánh mức giá gửi xe qua đêm giữa mức đề xuất của UBND TP và mức thị trường hiện áp dụng thì mức đề xuất này còn thấp và chưa phù hợp với mặt bằng phí chung. Việc áp dụng mức giá gửi xe qua đêm này không có tác động về mặt kinh tế để hạn chế tình trạng người dân sử dụng ô tô cá nhân trong nội đô và sẽ cân nhắc lựa chọn các phương tiện giao thông khác. Mặc khác, điều này có thể dẫn đến tình trạng người dân sẽ lựa chọn hình thức gửi xe qua đêm tại vỉa hè, lòng đường, hè phố để tiết kiệm chi phí hơn.
Do đó, mức phí này càng phải cao để người dân hạn chế đậu, đỗ xe ở lòng đường, hè phố và mức phí này cần phải điều chỉnh theo từng thời kỳ trên cơ sở nhu cầu của người dân, tình trạng cơ sở hạ tầng.
Thứ hai: Bên cạnh việc thu phí tại những con đường lớn, trục đường chính thì cũng cần xem xét việc thu phí tại các con hẻm lớn, bởi rất nhiều trường hợp do xe không được đậu, đỗ ở đường lớn nên tài xế sẽ cho xe vào các hẻm lớn để đậu. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân sinh sống ở đây, gây cản trở giao thông cũng như ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng. Do đó, cần có biện pháp thu phí để hạn chế đậu xe trong trường hợp này, buộc người điều khiển phương tiện phải vào các bãi giữ xe để đậu xe. Đồng thời tạo ra nguồn thu nhằm phục vụ cho việc xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng.
TP HCM sẽ tăng phí đậu ô tô dưới lòng đường
Cần cấm đậu xe ô tô tại các hẻm lớn, thường xuyên có phương tiện lưu thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, cũng như sinh hoạt của người dân. Việc cấm này cần được thực hiện một cách cụ thể thông qua việc cắm biển báo nhằm tránh trường hợp người điều khiển phương tiện cố tình vi phạm, điều này còn giúp tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để xử lý vi phạm.
Thứ ba: Phí đậu xe ô tô sau khi ban hành phải được công khai đến người dân và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm bảo thực hiện nhằm tránh trường hợp đơn vị thu phí thu vượt mức cho phép, xâm phạm đến quyền lợi của người sử dụng ô tô.
Bên cạnh việc thu phí thì cũng cần biện pháp duy tu, bảo trì cơ sở hạ tầng giao thông và phát triển giao thông công cộng hợp lý, nhằm cân bằng lợi ích của nhà nước và người dân, đảm bảo cho người dân có điều kiện thuận lợi trong tham gia giao thông cũng như trong sinh hoạt.
Thứ tư: Ngoài các khu vực đã được quy định trong dự thảo, dự thảo cần quy định thêm mức thu phí đối với các khu vực khác, điển hình như quận 4, Bình Thạnh,… bởi lưu lượng phương tiện giao thông lưu thông qua các quận này khá lớn, hệ thống giao thông vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Vì vậy, cần có biện pháp khắc phục tình trạng này. Đồng thời, việc này sẽ giúp hạn chế các trường hợp các đơn vị thu phí thu vượt mức nhà nước cho phép nhằm bảo vệ quyền lợi người sử dụng phương tiện giao thông.
Thứ năm: Hiện nay, việc người dân sở hữu, sử dụng một chiếc xe ô tô phải chịu nhiều loại thuế, phí khác nhau, cụ thể như: phí đăng kí trước bạ của cả nước là 10% giá niêm yết của xe, riêng ở Hà Nội là 12% (riêng xe bán tải có phí đăng kí trước bạ là 2% trên cả nước); phí đăng kiểm cố định là 340.000 đồng; phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự (bắt buộc) đối với xe dưới 6 chỗ là 436.700 đồng, xe từ 06 đến 11 chỗ là 873.400 đồng, xe bán tải là 1.026.300 đồng; phí đăng kí biển số, đối với dòng xe dưới 9 chỗ, tại Hà Nội cao nhất là 20.000.000 đồng, tại TP HCM là 11.000.000 đồng; phí bảo trì đường bộ, đối với xe cá nhân dưới 10 chỗ, mức phí là 1.560.000 đồng ở cả Hà Nội và TP HCM; bảo hiểm vật chất xe (tùy chọn): 1,55% giá xe.
Có thể thấy để sở hữu một chiếc xe thì người dân phải chịu rất nhiều loại thuế, mục đích của nhà nước khi đánh thuế vào xe ô tô là nhằm hạn chế việc sở hữu xe ô tô của người dân để giảm áp lực giao thông lên cơ sở hạ tầng hiện nay. Tuy nhiên, cho dù phải chịu nhiều loại thuế nhưng tới thời điểm hiện tại, số lượng ô tô mới được nhập khẩu vào Việt Nam vẫn tăng lên theo thời gian và không có dấu hiệu giảm. Do đó, việc tăng các khoản phí, thuế liên quan đến xe ô tô chỉ là giải pháp tức thời để hạn chế tình trạng sử dụng xe ô tô ngày càng gia tăng bởi vì sở hữu ô tô là một nhu cầu tất yếu của người dân hiện nay.
Thứ sáu: Thay vì đánh thuế và phí nhiều lên người sở hữu, sử dụng xe ô tô thì nên xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống phương tiện giao thông công cộng thuận tiện để giảm thiểu việc sử dụng phương tiện cá nhân như hiện nay. Theo kinh nghiệm tham khảo tại một số quốc gia trên thế giới, TP cần xây dựng một làn đường riêng dành cho phương tiện công cộng để đáp ứng hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân từ đó đẩy mạnh phát triển loại hình giao thông này. Ngoài ra, cần có những giải pháp về thu phí có thể khuyến khích người dân hạn chế sử dụng ô tô cá nhân, điển hình như áp dụng việc thu phí đối với việc một người sử dụng ô tô sẽ cao hơn so với nhiều người cùng lúc sử dụng chung một ô tô khi tham gia giao thông, mức phí này sẽ được điều chỉnh theo thời gian. Nếu hình thức thu phí này được áp dụng thì sẽ khuyến khích người dân giảm thiểu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, giảm tải số lượng xe ô tô lưu thông trong cùng một thời điểm. Qua đó sẽ giảm thiểu tình trạng kẹt xe đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Bình luận (0)