Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tạm dừng đỗ ô tô dưới lòng đường, hè phố do Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức sáng 28-2.
Cần thiết vì đã quá trễ
Nói về nguyên nhân xây dựng đề án này, bà Nguyễn Thị Xuân Hiếu, Trưởng Phòng Tài chính Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết hiện nay 63 tỉnh, thành trên cả nước đều đã thu phí ô tô đậu, đỗ trên lòng đường, vỉa hè. TP HCM đã thu từ năm 2005 nhưng đến nay không còn phù hợp.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông Sở GTVT TP HCM, cho rằng việc cho phép người dân đậu xe dưới lòng đường, hè phố thuộc thẩm quyền của UBND TP. Tuy nhiên, 12 năm qua, các xe đậu từ sáng đến chiều chỉ mất 5.000 đồng dẫn đến nhiều tuyến đường bị ùn ứ. Sau khi rà soát lại 42 tuyến đường, hiện chỉ có 35 tuyến đủ điều kiện cho phép đậu xe, trên cơ sở đó xem xét lại để đưa vào đề án. Đất chật người đông, khu vực trung tâm TP hiện có 53 cao ốc với diện tích khoảng 250.000 m2 nhưng đã có hơn 50.000 m2 để đậu xe công cộng.
Các đại biểu góp ý kiến tại hội thảo
Kỹ sư Đồng Hữu Khiên, Ủy viên MTTQ TP HCM, nói ông đồng tình và ủng hộ đề án này. Tuy nhiên, ông cho rằng việc thu phí thông qua ứng dụng công nghệ thông minh có thể sẽ gây khó khăn cho người dân, cần hỗ trợ người dân hiểu, thực hiện thông suốt.
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, Sở GTVT cần xác định rõ đề án là thu phí dịch vụ hay giá dịch vụ. Đồng thời, sở nên đánh giá rõ hơn cách thức thực hiện, đánh giá đúng thực trạng. Việc áp dụng công nghệ thông minh để thu phí, ông Sanh cho rằng cần phải cân nhắc sử dụng công nghệ phù hợp. Đề án nên bàn giao cho thanh niên xung phong (TNXP) thực hiện, quận - huyện chỉ thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, cần đánh giá tiêu cực về tác động kinh tế sau khi áp dụng đề án, kết hợp nhiều giải pháp khác để giải quyết bài toán kẹt xe.
Trong khi đó, đại biểu Lâm Thiếu Quân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong, đề xuất chỉ thu phí từ 6 giờ đến 21 giờ và nên giao tập trung cho Sở GTVT thực hiện, lực lượng đô thị quận, huyện giám sát.
Hạn chế ảnh hưởng đến dân
Luật sư Nguyễn Văn Hậu đặt vấn đề đề án cần chú ý đến đối tượng tác động bị ảnh hưởng như thế nào, phí thu được sử dụng ra sao. Nếu không cẩn thận, đề án này sẽ đẩy người đi ô tô sẽ không đậu xe ở các điểm này mà tràn về các tuyến đường hoặc hẻm khác không thu phí, dẫn đến kẹt xe. Ngoài ra, phí phải được thu công khai và có chế tài. "Hiện nay, người dân đã phải đóng quá nhiều loại phí. Do đó, thay vì tăng thuế, phí thì TP nên xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và giao thông công cộng để đáp ứng cho người dân" - ông Hậu phân tích.
Đại diện MTTQ quận 5 cũng đồng thuận với ý kiến của luật sư Hậu. Nếu thu phí ô tô rồi thì có cử lực lượng canh giữ xe hay không, hư hỏng có bồi thường hay không. Địa bàn quận 5 đông dân cư và buôn bán đông nên cần tính toán kỹ để tránh bị người dân phản ứng. Đồng quan điểm, đại diện phường 5, quận 3 cho rằng hiện nay có một số tuyến đường người dân buôn bán, kinh doanh, nếu để cho đậu xe thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của người dân.
Luật sư Trương Thị Hòa nhận định đề án cần có lộ trình, "không nên gây sự hồi hộp cho người dân". Đặc biệt là tạo sự bình đẳng do đó không nên chia thành các khu vực mà nên áp dụng một giá chung. Tại hội nghị, sở và các đại biểu đã nhất trí sẽ không thu phí tạm dừng ô tô đối với những hộ dân có nhà sinh sống tại mặt tiền tuyến đường có thu phí. Đồng thời, sẽ không có đối tượng ưu tiên trong quá trình thu phí để tạo sự công bằng cho mọi người dân.
Mời người dân góp ý kiến
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, thông tin tiếp tục mời người dân đóng góp ý kiến qua website của MTTQ TP http://ubmttq.hochiminhcity.gov.vn. Yêu cầu Sở GTVT TP tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu nhằm xây dựng và hoàn thiện đề án trình UBND TP trước khi trình HĐND TP.
Bình luận (0)