Miệt vườn, Tết đến bà con xúm nhau cán bánh phồng thật rộn ràng, tất bật
Mỗi người có bao nhiêu tuổi là có bấy nhiêu cái Tết. Tính đến nay, tôi đã trải qua mấy chục cái Tết. Tết no đủ ấm êm cũng có, Tết trong thiếu thốn lo toan cũng có, nhưng nói chung Tết nào cũng đẹp, cũng tràn ngập yêu thương và vô vàn hạnh phúc.
Tết là những gì đẹp, tinh anh nhất
Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, từ "Tết" là do âm Hán - Việt "tiết" mà ra. Nguyên đán có nghĩa là ngày đầu tiên tức ngày mùng một. Tết Nguyên đán là Tết quan trọng nhất trong năm, nó mang bản sắc văn hóa của nếp sống cộng đồng. Nước ta là một nước thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước nên tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, xuống giống, gieo trồng. Chính vì vậy mà ông cha ta (kể cả nhiều nước ở Đông Nam Á) đã chọn giờ Tý, tháng Dần, tiết Xuân, mùa sinh trưởng của vạn vật để ăn Tết. Đây còn là thời gian nghỉ ngơi, ăn uống, giải trí, giúp cho tinh thần sảng khoái và trút bỏ hết những gánh nặng lo âu để tận hưởng cái cảm giác êm đềm của những ngày đầu xuân.
Trẻ con, người lớn tham gia các trò chơi Tết cổ truyền
Mùa xuân là mùa tốt đẹp nhất để cho con người giao hòa với trời đất theo quan niệm "thiên nhân tương ứng", là mùa cỏ cây hoa lá đâm chồi nẩy lộc nên mọi người thường chọn những loài hoa, những cây kiểng có cái tên thật đẹp, ý nghĩa để mang về chưng Tết với hy vọng "đầu năm may mắn, cuối năm tốt lành".
Một năm được mấy mùa xuân? Một ngày được mấy giờ dần hởi ai? Sách y học cổ truyền nói rằng mùa xuân là mùa của "khí" trời đất nẩy sinh, còn "khí" của con người thì ở kinh mạch nên việc dậy sớm đêm giao thừa để đi chùa lễ Phật và hái lộc sẽ giúp cho tinh thần con người sảng khoái, hợp với lẽ âm dương của trời đất và nhịp sinh học của cơ thể con người. Giờ giao thừa là thời khắc quan trọng nhất đối với gia trưởng và mọi thành viên trong gia đình.
Trong đêm trừ tịch, giờ giao thừa diễn ra giữa giờ Hợi (năm cũ) và giờ Tý (năm mới), là giờ bàn giao giữa cái cũ và cái mới. Trước cảnh tống cựu nghinh tân đó, người gia trưởng đứng lên khấn vái, tiễn đi tất cả cái cũ, cái xấu, cái dở, cái rủi ro và xin đón nhận cái mới, cái hay, cái đẹp, điều may mắn và tốt lành.
Do đó, ngày lễ Tết vừa mang tính thế tục (thiên về vật chất như ăn, uống) vừa mang ý nghĩa tâm linh (thiên về tinh thần), hướng về cội nguồn, vui chơi giải trí, đoàn tụ gia đình. Có thể nói Tết là những gì đẹp nhất, tinh anh nhất, giúp con người nâng cao những tình cảm cao quý.
Ý nghĩa sâu sắc nhất của lễ Tết Việt Nam là triết lý nhân bản, là mối giao hòa giữa con người với con người. Tết là ngày sum họp gia đình; ngày con cháu tề tựu đông đủ để chúc phúc và mừng tuổi ông bà, cha mẹ; là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu thảo, vợ chồng gắn bó thủy chung, xóm giềng thăm hỏi lẫn nhau, thắt chặt thêm tình đoàn kết và tô thắm tình người.
Xuân thanh bình và thịnh vượng
Hồi còn sống, cái gì ngon nhất, đẹp nhất là mẹ tôi dành cho ngày Tết, chẳng hạn như nuôi bầy gà để bán Tết, chăm sóc vườn rau để ăn Tết, may bộ đồ mới để dành Tết… Ai ai cũng mong Tết, nhớ Tết, trân quý Tết và chờ đợi cái khoảnh khắc thiêng liêng của đêm giao thừa. Tết là đoàn tụ, sum vầy, mọi người cùng nhau tháo gỡ khó khăn, là cơ hội cho phái nữ thi thố tài năng nội trợ. Ngoài ra, Tết còn là dịp để cho mọi người nghỉ ngơi, ăn uống. Bởi thế, ông cha ta có câu "Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết".
Mặc dù Tết bây giờ có cái mất cái còn, nhưng cho tới nay, nhân dân ta vẫn còn giữ được một số phong tục cổ truyền như tục đưa ông Táo về trời, tục phủi mộ và viếng nghĩa trang liệt sĩ, tục rước ông bà vào ngày 30 âm lịch, tục chúc Tết và thăm viếng bà con xóm giềng…
Tục lì xì cho trẻ em trong ngày Tết, ngày nay vẫn tồn tại như một nét đẹp văn hóa
Tục múa lân trong ngày Tết cũng không ngoài ý nghĩa cầu mong cho đất nước thái hòa, cho người người no ấm. Tiếng trống lân trầm hùng dồn giã như thúc giục mọi người đứng lên đón rước một mùa Xuân thanh bình và thịnh vượng. Tục "lì xì" nhằm chúc cho mọi người phát tài, trẻ em hạnh phúc.
Ở một số nơi, bà con ta cũng còn giữ được tục xông đất, tục xin lộc và tục khai bút đầu năm. Con người dù giàu hay nghèo, sang hay hèn cũng đều có những ước mơ và niềm khát vọng chính đáng. Trong hành trình diệu vợi từ thời ăn lông ở lỗ đến nay, con người phải đương đầu với biết bao thiên tai, bệnh tật, chiến tranh, đói nghèo… nên khát vọng hòa bình, hạnh phúc, ấm no là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được. Các lễ tục ngày Tết như cúng giao thừa, hái lộc, xông đất, chúc thọ … đều nói lên hoài bão, ước mơ và hy vọng của con người. Ngày Tết còn là lúc để cho con người tĩnh tâm, khởi lên ý niệm thiện lành, sống bao dung và san sẻ.
Ngày nay, khoa học đã thừa nhận những người sống lạc quan, hướng thiện sẽ tự điều chỉnh, tự cân bằng hệ sinh hóa và tránh được một số bệnh tật. Một khi nhu cầu tinh thần được thỏa mãn, con người sẽ tự nhiên vui vẻ, tâm trí khỏe mạnh, mọi lo âu, phiền não, chán nản sẽ bị đẩy lùi. Chẳng hạn như chọn giờ xuất hành đầu năm, đi chùa hái lộc, mừng tuổi ông bà sẽ giúp cho chúng ta yên tâm, tạo ra được những cảm xúc dương tính, làm cho năng lượng sinh học của con người hoạt động tốt hơn, cảm thấy yêu đời hơn. Chính vì ý nghĩa đó mà con người luôn luôn nhớ Tết, nhất là Tết xưa.
Xưa nay, theo tục lệ cúng ông bà, thánh thần luôn có chén rượu lễ. Cúng xong, mọi người nâng ly chúc nhau những câu tốt lành. Nhưng người xưa uống rượu xem ra rất lịch lãm và trí tuệ vô song. Họ mượn rượu để tỏ tình và kết giao bằng hữu. Ngày nay, trong giao tiếp, chúng ta vẫn tôn trọng tập quán "kính lão đắc thọ" trong các buổi liên hoan, tiệc cưới xin, nhưng uống là để say tình chứ không phải say rượu. Người uống bao giờ cũng dừng lại đúng lúc cho rượu trở thành rượu vàng, rượu nghĩa.
Bình luận (0)