Thực hiện chủ trương giảm dần các trạm trung chuyển rác trong khu vực nội đô, 2 năm trước, quận Bình Thạnh đã đóng cửa trạm trung chuyển trong hẻm 348 Phan Văn Trị. Do đó, toàn quận đã phải chấp nhận phát sinh 80 "điểm hẹn" lấy rác, trong đó 9 điểm lấy rác sinh hoạt, còn lại là rác quét đường.
Điểm hẹn đến đâu, khiếu nại theo đến đó
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quận Bình Thạnh, sự việc trên khiến địa phương gặp không ít khó khăn do người dân than phiền. Do đó, các địa phương chỉ còn cách vừa làm vừa điều chỉnh. Nơi nào điểm hẹn còn nhếch nhác, Phòng TN-MT yêu cầu UBND phường tăng cường kiểm tra, nhắc nhở công nhân xịt rửa, quét dọn sau khi thu gom. Ngoài ra, sắp tới các xã viên thu gom rác buộc phải dán tên, địa bàn thu gom, tên HTX trên xe để chúng tôi dễ dàng quản lý, tránh tình trạng xe rác từ địa bàn khác chạy qua đổ bậy…
Nói cụ thể hơn, một cán bộ Phòng TN-MT quận Bình Thạnh nhìn nhận 9 điểm lấy rác sinh hoạt của quận tuy không thể đáp ứng yêu cầu của các HTX thu gom nhưng quận quyết không mở thêm điểm nào, chấp nhận tình trạng rác dồn ứ lâu do xe ép quay đầu chậm, không thu gom đúng thời gian quy định. Bởi vừa rồi, khi chuyển được vị trí điểm hẹn lấy rác trên đường Trịnh Hoài Ðức sang trước Trường Nguyễn Ðình Chiểu là rất nan giải vì để một nơi mới chấp nhận điểm hẹn này là cả quá trình vận động, chọn lựa các tuyến đường vừa bảo đảm an toàn giao thông vừa có hệ thống thoát nước vừa đủ chỗ cho phương tiện đậu đỗ lấy rác… "Lý do khó thêm điểm hẹn là do các "điểm hẹn" đến đâu, dân khiếu nại đến đó" - vị cán bộ Phòng TN-MT quận Bình Thạnh nói.
Tương tự, 2 năm trước, quận 9 phải đóng cửa 4 trạm trung chuyển rác trong tổng số 7 trạm của quận này. Việc này, theo đại diện Phòng TN-MT quận 9, đã làm phát sinh nhiều "điểm hẹn" khiến quá trình quản lý thu gom vận chuyển rác khó khăn hơn và đặc biệt kéo theo không ít bức xúc của người dân ở những điểm hẹn mới vừa phát sinh.
Vì vậy việc phát sinh nhiều “điểm hẹn” lấy rác đang gây khó cho chính quyền địa phương Ảnh: TẤN THẠNH
Dựa vào thực tế để tự quyết cách làm
Cũng theo quận 9, dù chỉ còn 3 trạm trung chuyển rác nhưng các trạm này cũng đang đối diện với sức ép rất lớn từ cư dân xung quanh đòi phải đóng cửa vì gây ô nhiễm. Ðiển hình, trạm trung chuyển rác trên đường Thủy Lợi (phường Phước Long A) liên tục bị người dân khiếu nại nhưng nếu đóng cửa sẽ phát sinh nhiều "điểm hẹn" mà địa phương khó bề thu xếp. Trước thực trạng trên, quận 9 đã tiếp xúc với chủ đầu tư khu dân cư Him Lam và đơn vị này đã đề xuất hỗ trợ kinh phí để di dời và xây một trạm ép rác với công nghệ ép kín hiện đại, chi phí khoảng 50 tỉ đồng tại phường Long Trường. "Chúng tôi đã kiến nghị với UBND TP xin chấp thuận đề xuất này. Hiện chỉ chờ TP duyệt là chủ đầu tư triển khai" - Phòng TN-MT quận 9 thông tin.
Đại diện Phòng TN-MT quận 3 thì cho rằng do biết trước các "điểm hẹn" lấy rác sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nên quận đã thực hiện chuyển đổi lấy rác ban đêm (thay vì ban ngày như trước đây), trang bị xe ép rác hiện đại. Ngoài ra, quận còn quán triệt đến lực lượng thu gom rác phải tập kết rác đúng giờ, không quá sớm, tăng cường vệ sinh các "điểm hẹn" lấy rác. Quận 3 cũng giao các phường và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 3 tăng cường kiểm tra, nhắc nhở. Ðặc biệt, quận 3 đã thành lập HTX môi trường quận để nâng chất lượng thu gom rác trên địa bàn.
Ở quận 1 hiện đang tiến hành chia nhỏ lượng rác thùng tại các điểm tập kết (mỗi điểm 3-4 thùng) và di chuyển điểm tập kết liên tục nên phần nào đã hạn chế ảnh hưởng đến người dân. Quận Gò Vấp đã chủ động chuyển các "điểm hẹn" lấy rác đến các chợ truyền thống, thời gian lấy rác nhanh, vệ sinh sạch sẽ nên đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nói về cách làm của quận Bình Tân, bà Võ Thị Kim Hiền, Phó Phòng TN-MT quận này, cho hay để khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt quận thường xuyên tổ chức lại các "điểm hẹn"...
Xây nhà máy đốt rác phát điện thứ 2
Ngày 16-10, tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc Thành phố (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP HCM), Công ty CP Ðầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình Nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 40MW.
Công trình được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1, tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng, thực hiện 18 tháng, công suất 2.000 tấn rác/ngày. Nếu tiếp tục được UBND TP đồng ý, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 với công suất 3.000 tấn rác/ngày.
Nhà máy đốt rác phát điện này sử dụng công nghệ đốt rác phát điện Martin Grade (CHLB Ðức) với ưu điểm xử lý rác khép kín từ khâu tiếp nhận đến khâu xả thải cuối cùng, không phát tán mùi hôi và phù hợp với điều kiện rác chưa qua phân loại đầu nguồn tại Việt Nam.
Ðây là nhà máy đốt rác phát điện thứ hai tại TP HCM được khởi công trong năm 2019, trước đó là nhà máy đốt rác phát điện Vietstar cũng được khởi công với công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày.
T.Hồng
Bình luận (0)