TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu:
Trẻ cần phải là một người biết sống
Trong quá trình tư vấn về chủ đề giới tính tuổi mới lớn, tôi nhận thấy có một thực tế không thể phủ nhận: ở rất nhiều bạn trẻ, tâm thế "hăng hái khám phá" thì cao nhưng kỹ năng xử lý hậu quả lại thiếu trầm trọng. Hầu như các em chỉ lo xử lý khi hậu quả không còn xử lý được nữa.
Ngay từ bé, trẻ đã bắt đầu có những thắc mắc về giới tính. Câu hỏi kinh điển "Em bé từ đâu mà có?" đến nay hẳn nhiều cha mẹ cũng chỉ biết tránh né. Những chuyện liên quan đến chỗ kín là chủ đề kín như bưng. Trong khi đó, hiểu biết về giới tính, kỹ năng chăm sóc bản thân, phòng vệ và ứng xử khi bị xâm hại thì không phải đợi đến lớn mới cần trang bị.
Sức khỏe sinh sản và rộng hơn là sức khỏe giới tính là một mảng rất lớn trong đời sống con người. Trẻ cần phải là một người biết sống trước khi trở thành một nhà khoa học. Thế nhưng, trong 12 môn học thì nội dung này chỉ là nhánh cây tầm gửi được lồng ghép chắp vá vài ba tiết trong môn sinh học và giáo dục công dân. Giáo viên chưa dám "chạm" đến cụm từ tình dục, thuốc ngừa thai, bao cao su, nói chi đến việc phân tích sâu về chúng. Một số trường cố gắng đưa nội dung giáo dục giới tính vào vài buổi sinh hoạt dưới cờ nhưng cũng chỉ "phơn phớt bên ngoài". Các tổ chức, đoàn thể đưa nội dung này vào chương trình hoạt động của mình nhưng so với "cầu" thì "cung" như muối bỏ bể.
Rốt cuộc, "ông thầy" thường xuyên và gần gũi nhất của trẻ chính là internet. Ở đó, các em không chỉ được "dạy bảo" những nội dung "thâm cung bí sử" mà còn được "nhìn tận mắt, nghe tận tai" chỉ qua cú click chuột. Tuy nhiên, thông tin trên mạng thì không ai chịu trách nhiệm nên độ xác thực cũng chỉ ở mức "đúng thì tốt, sai thì thôi". Điều này cực kỳ nguy hiểm, hiểu sai thì sẽ làm sai, mà làm sai thì hậu quả thật.
Để hành động, người lớn cần nhìn thẳng vào sự thật: trẻ con bây giờ dậy thì tâm lý rất sớm, có hành vi khám phá rất sớm và nguy cơ từ đó cũng đến sớm. Giới tính là chủ đề nhạy cảm, vì vậy gia đình chính là nơi thuận lợi nhất để giải đáp một cách gần gũi cho con. Đừng lo là "vẽ đường cho hươu chạy". Khi thắc mắc được giải đáp, đả thông, trẻ sẽ ít cần đến việc tìm hiểu bằng cách mày mò "làm thử". Bên cạnh đó, về lâu dài, chuyện khám phá là tất yếu, sớm muộn cũng đến. Thế nên, trang bị cho con các bảo bối tự bảo vệ mình như kỹ năng từ chối, phòng tránh thai, xử lý sự cố và hậu quả là điều cực kỳ cần thiết.
Ngành giáo dục dù rất cố gắng đưa nội dung này vào nhà trường nhưng vẫn bị trói trong việc thiếu thời gian, giáo viên có chuyên môn, tài liệu và cơ chế kiểm tra đánh giá. Theo The Nation, tại Thái Lan, từ năm nay, học sinh lớp 6, 9 và 12 phải thi tốt nghiệp môn giáo dục giới tính nhằm góp phần ngăn ngừa mang thai sớm ở thanh thiếu niên. Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên suy nghĩ nghiêm túc về việc áp dụng điều này đối với học sinh Việt Nam.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi tại một mái ấm Ảnh: Mỹ Lệ
ThS Bùi Việt Thành (ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP HCM):
Đã đến lúc nói đến văn hóa tình dục
Theo quan niệm phương Tây, tình dục được xem là nhân tố làm con người yêu thương cuộc sống. Ngược lại, phương Đông xem tình dục là chuyện bậy bạ, cấm kỵ, không khuyến khích nói về tình dục và dạy các thành viên trong xã hội những giá trị đích thực về tình dục.
Tuy nhiên, khi xã hội Việt Nam du nhập nhiều hơn tư tưởng văn hóa bên ngoài vào, hình thành lối sống mới, nhiều người trẻ Việt Nam lựa chọn sống thử trước hôn nhân hay làm mẹ đơn thân, tình dục thoáng… Thế nhưng, bản thân họ không được chuẩn bị về tình dục như một hoạt động văn hóa, tức có ý thức của con người.
Hệ lụy đó chính là giá trị của tình dục đã bị hiểu sai bởi các biểu hiện xem tình dục là lối sống hiện đại chứ không phải theo giá trị văn hóa của tình dục. Những câu chuyện đau lòng xảy ra, từ các vụ án hiếp dâm, quấy rối tình dục đến ném bỏ con ngay khi mới sinh, thậm chí giết người. Chung quy lại chính là sự coi thường văn hóa tình dục, nghĩ có thể dùng những mệnh lệnh tuyên truyền, hình phạt là có thể kiểm soát. Chừng nào xã hội còn suy nghĩ hời hợt đó thì hệ lụy của tình dục còn xảy ra.
Ý thức tình dục thường xuyên tồn tại trong mỗi con người, không cần đến thời gian phát dục. Nhu cầu căn bản đó không ai cấm đoán được, bởi năng lượng ấy trong mỗi cá nhân rất lớn, chỉ khác là làm điều đó như thế nào. Nếu được hướng dẫn, dạy dỗ đúng và xem nó như một hoạt động văn hóa thì những câu chuyện đau lòng sẽ ít xảy ra.
Văn hóa tình dục chính là những chuẩn mực cần được nhà trường và cha mẹ giảng dạy cho học sinh bởi nó thỏa mãn nhu cầu bù đắp tinh thần cho tâm lý tình dục và thuần hóa bản năng tình dục, nâng cao tình cảm. Nội dung giảng dạy cho học sinh từ trên ghế nhà trường phải phong phú (không chỉ giảng dạy về sinh học mà cần nói đến văn hóa, giá trị, tình cảm của con người), có sự hướng dẫn (cách bảo vệ, giá trị cảm xúc, tính nhân văn trong tình dục đôi lứa, tránh xa cạm bẫy…). Bên cạnh đó, cần tuyên truyền những hệ quả do tình dục gây nên. Có vậy, các thành viên trong xã hội mới có sức khỏe tâm thần tốt và hướng đến xã hội nhân văn.
Bao cao su chỉ dành cho... gái mại dâm
Qua kết quả khảo sát 120 học sinh (HS) THPT một số trường thuộc địa bàn TP HCM của ThS Nguyễn Duy Hải và ThS Hà Trọng Nghĩa (Trường ĐH Văn Hiến - TP HCM) nhằm tìm hiểu nhận thức của trẻ vị thành niên về sức khỏe sinh sản, có đến 33% HS tự nhận không có kiến thức phòng tránh thai. Thậm chí khi được hỏi đến bao cao su, một phương pháp phòng tránh thai hiệu quả và đơn giản, có đến 47,5% HS cho rằng việc sử dụng bao cao su chỉ dành cho gái mại dâm hoặc người không chung thủy.
Có đến 87,3% HS cho biết cha mẹ chưa bao giờ trao đổi về các biện pháp phòng tránh thai, 66,2% trả lời tự tìm kiếm các thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng là chủ yếu.
Bình luận (0)