Ngày 17-12, đoàn công tác của Báo Người Lao Động phối hợp Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Phú Yên đến các thôn, xã tại các huyện Tây Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa..., nơi có 9 trường hợp tử nạn vì đợt lũ (từ ngày 30-11 đến 2-12). Người dân vẫn đang dọn dẹp tàn dư cơn lũ kỷ lục vừa sửa lại nhà cửa để chuẩn bị đối phó với cơn bão số 9 (bão Rai).
Mất mát, đau thương
Bà Lê Thị Hồng Lan (bị bệnh tim; SN 1961; ngụ thôn Phú Ân, xã Hòa An, huyện Phú Hòa) rưng rưng kể: "Chiều 30-11, tôi đang ở nhà một mình, thấy nước lên nhanh quá nên rất sợ. Biết là chồng đang trực bảo vệ ở Bệnh viện tỉnh Phú Yên nhưng không biết phải làm sao nên tôi gọi ổng. Lát sau, ổng nói đang tranh thủ chạy về. Đợi hoài không thấy đâu, tôi gọi lại thì điện thoại không liên lạc được. Sau này tôi mới nghe xã nói ổng bị nước lũ cuốn trôi. Biết vậy lúc đó tôi đừng gọi ổng, có gì một mình tôi chịu, chứ vầy giờ nghĩ lại đau lòng quá".
Theo UBND huyện Phú Hòa, khi chỉ còn cách nhà chừng 500 m, ông Nguyễn Văn Hải (SN 1959, chồng bà Lan) bị nước lũ cuốn. Thi thể ông Hải được tìm thấy sau đó 3 ngày.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên tặng quà từ chương trình "Trái tim miền Trung" cho bà con bị thiệt hại nặng do lũ ở huyện Sơn Hòa
Đau đớn nhất là trường hợp 2 em nhỏ ở thôn Thành Hội, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa tử vong vì lật canô. Trong căn nhà của chị Nguyễn Thiện Ý (mẹ cháu N.T.N.A), ngấn nước để lại cho thấy hôm lũ về, nước ngập hơn nửa cửa sổ (khoảng 2 m). Nước mắt lưng tròng, chị Ý cho biết chồng chị đang làm việc ở Nam Định. Sáng 30-11, thấy nước lũ về mà nhà chỉ có 3 mẹ con, chị Ý phải bỏ nhà qua ở nhờ hàng xóm. Khoảng 18 giờ cùng ngày, nước lũ lên nhanh, nhiều người phải leo lên nóc nhà cầu cứu lực lượng cứu nạn. Trên đường từ thôn chạy ra ngoài, canô chở hơn 10 người bị lật.
"Đứa con đầu của tôi cùng 4 người khác được chị Hà Thị Hương, một người trong thôn biết bơi nên cứu sống, còn đứa sau tuột khỏi tay..." - chị Ý nghẹn lời không thể nói tiếp. Ôm mẹ, cháu N.T.T (8 tuổi, con trai chị Ý) kể: "Lúc đó con rất sợ, may có mẹ Hương bơi đến cứu. Bây giờ con gọi cô Hương là mẹ luôn".
Chuyến canô định mệnh cũng đã cướp đi con trai của chị Nguyễn Thị Hồng Thủy khi cháu mới 4 tuổi. Thắp nén nhang cho 2 cháu bé, an ủi 2 người mẹ mất con, bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Yên, xúc động: "Cũng là người vợ, người mẹ, chúng tôi rất đau lòng, xót thương cho các con. Mong gia đình cố gắng vượt qua nỗi đau, lo cho các con còn lại".
Bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên, cùng đại diện Báo Người Lao Động trao hỗ trợ cho gia đình có cháu bé tử vong vì lật canô
Chia sẻ khó khăn
Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, đợt lũ vừa qua khiến cho 58.150 nhà dân trên toàn tỉnh ngập nặng, làm sập hoàn toàn 8 nhà, hư hỏng hàng chục căn. Số gia súc chết do bị cuốn trôi 2.888 con; gia cầm bị thiệt hại, cuốn trôi hơn 233.000 con; thiệt hại hoàn toàn gần 800 ha lúa vào vụ... Tổng thiệt hại mà tỉnh gánh chịu là hơn 439 tỉ đồng.
Chia sẻ khó khăn cùng người dân, chương trình "Trái tim miền Trung" của Báo Người Lao Động đã phối hợp Hội LHPN tỉnh Phú Yên thăm hỏi, hỗ trợ 3 triệu đồng/trường hợp (tổng cộng 9 trường hợp có người thân mất vì lũ); hỗ trợ 6 gia đình có nhà sập hoàn toàn, nhà bị cháy, mỗi trường hợp 5 triệu đồng; gia đình bị thiệt hại nặng được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ (gồm 800.000 đồng tiền mặt và quà trị giá 200.000 đồng). Tổng kinh phí mà chương trình "Trái tim miền Trung" hỗ trợ đồng bào Phú Yên là 177 triệu đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Phú Yên tặng quà từ chương trình "Trái tim miền Trung" cho bà con vùng lũ ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa
Kể về thời khắc giữa sự sống và cái chết, vợ chồng chị Võ Thị Ly - anh Trần Văn Tân (ngụ thôn Long Hòa, xã An Định, huyện Tuy An) vẫn còn rùng mình. "Nước lũ lên rất nhanh, vượt qua bờ kè rồi xoáy vào móng nhà rất mạnh. Căn nhà rung lắc mạnh, cả gia đình chạy lui phía sau, leo lên chuồng bò rồi nhảy lên khu đồi phía sau. Chỉ trong mấy phút, nước cuốn căn nhà đổ sập. Toàn bộ đồ đạc, tài sản trôi theo dòng nước" - anh Tân kể lại.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đợt lũ lụt vừa qua được đánh giá là cao mức kỷ lục hơn 30 năm mới lặp lại. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, mất mát, sớm ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất.
Nói về chương trình "Trái tim miền Trung" của Báo Người Lao Động, ông Lê Tấn Hổ cho rằng đây là chương trình hết sức ý nghĩa, đã kịp thời hỗ trợ giúp người dân vượt qua khó khăn trước mắt. Ông Lê Tấn Hổ mong rằng chương trình sẽ tiếp tục triển khai, được cá nhân, tổ chức ủng hộ để giúp những người dân miền Trung vượt qua thiên tai, bão lũ.
Chương trình "Trái tim miền Trung" của Báo Người Lao Động đến với bà con vùng lũ Sơn Hòa
Đến với người dân vùng lũ Bình Định
Cùng ngày, đại diện Báo Người Lao Động đã phối hợp với lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Định trao 14 phần quà với tổng số tiền 62 triệu đồng cho các hộ dân ở Bình Định có người chết và nhà sập hoàn toàn trong đợt mưa lũ vào cuối tháng 11 vừa qua.
Trong đó, 4 hộ có người chết vì mưa lũ, mỗi hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng; 10 hộ có nhà sập hoàn toàn, mỗi hộ được hỗ trợ 5 triệu đồng. Đây là số tiền được trích từ chương trình "Trái tim miền Trung" do Báo Người Lao Động phát động và triển khai thực hiện.
Cầm số tiền 5 triệu đồng từ chương trình, bà Trương Thị Chốn (60 tuổi; ngụ thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) cho biết sau khi nhà sập do lũ, vì không xoay xở được tiền nên chỉ mới xây được phần móng trên nền nhà cũ. "Có tiền rồi, ngày mai tôi sẽ gọi thợ đến tiếp tục xây lại nhà. Cảm ơn các nhà hảo tâm và Báo Người Lao Động đã hỗ trợ chúng tôi" - bà Chốn xúc động nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Định, ngoài số tiền từ chương trình "Trái tim miền Trung" của Báo Người Lao Động, Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Định cũng đang tiến hành hỗ trợ mỗi hộ có nhà sập hoàn toàn 60 triệu đồng; hộ có người chết trong đợt mưa lũ vừa qua 5 triệu đồng. "Với tổng số tiền 65 triệu đồng (Báo Người Lao Động và tỉnh hỗ trợ), những hộ có nhà sập đủ xây lại ngôi nhà mới khang trang hơn. Cảm ơn Báo Người Lao Động đã quan tâm chia sẻ với người dân vùng lũ Bình Định" - ông Nguyễn Xuân Vĩnh nói.
Theo thống kê của tỉnh Bình Định, đợt mưa lũ cuối tháng 11 vừa qua đã làm 4 người chết, 2 người bị thương; 30 nhà bị sập hoàn toàn và hư hỏng nặng; hàng chục km kè, kênh mương, bờ sông, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; gần 500 ha lúa và hoa màu bị hư hại... Thiệt ước tính khoảng 220 tỉ đồng.
Đ.Anh
Chương trình "Tình thương cho em" đến huyện Củ Chi
Sáng 17-12, chương trình "Tình thương cho em" do Báo Người Lao Động tổ chức đã có mặt tại huyện Củ Chi (TP HCM), trao hỗ trợ cho 5 trẻ mồ côi là con công nhân - lao động sinh sống, làm việc trên địa bàn huyện qua đời vì Covid-19.
Tại LĐLĐ huyện Củ Chi, chương trình "Tình thương cho em" đã trao hỗ trợ cho các em N.K.P (SN 2007), C.T (SN 2012), C.H.L (SN 2009), N.K.H (SN 2008, cùng ngụ xã Trung An) và em C.Đ (SN 2013, ngụ xã Tân Thạnh Tây). Mỗi em được hỗ trợ 5 triệu đồng.
Em Néang Kim Hoa, chị của 2 bé N. P. K và C.T, cho biết gia đình gồm 7 thành viên, mẹ làm việc tại Công ty TNHH Samho với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng; cha làm công nhân xưởng gỗ với thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng. Dịch Covid-19 bùng phát, mẹ các em không may qua đời khiến cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn.
Đánh giá cao chương trình "Tình thương cho em", ông Nguyễn Văn Nế, Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, nói: "Chương trình "Tình thương cho em" đã kịp thời hỗ trợ, động viên những hoàn cảnh không may, giúp các em mồ côi có thêm động lực, niềm tin để sớm ổn định cuộc sống".
H.Như
Bình luận (0)