Đắt khách vài bữa thôi
Sự kiện hàng chục ngàn người xếp hàng rồng rắn để thưởng thức các món ăn tại cửa hàng thức ăn nhanh đầu tiên của McDonald’s tại Việt Nam dù giá cả không hề rẻ một lần nữa khẳng định sức hút đặc biệt của thức ăn nhanh nước ngoài đối với người Việt. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc tỏ ra khá khó chịu khi cho rằng đó là sính ngoại, tò mò hay chơi trội. Bạn đọc Cuti nói: “Dân Việt có thói chuộng ngoại. Hễ nghe đâu có món gì từ các nước Âu, Mỹ là xúm lại cho đông để bằng chị bằng em, để thể hiện đẳng cấp có tiền mới ăn món này. McDonald’s, KFC, Lotteria gì đó đều là fastfood (thực ăn nhanh) và na ná như nhau, nếu có khác thì chỉ khác chút về hương vị thôi!”.
Bạn đọc Tí thì khẳng định: “... họ ăn vài bữa cho bằng chị bằng em chứ người có thu nhập vừa phải và có gia đình ổn định đều làm thức ăn ở nhà vừa rẻ, sạch, đảm bảo chất lượng không sợ bị móc túi vô lý”.
Một bạn đọc lấy tên Mèo đen cho rằng thức ăn nhanh ở nước ngoài thì nhanh chứ qua Việt Nam thành thức ăn... chậm. Vì đa phần các “công tử, tiểu thư” vào ngồi cả tiếng trở lên để hưởng thụ máy lạnh, tán dốc, chơi game. Nếu nói nhanh thì bánh mì, xôi giá 10.000 đồng còn nhanh hơn gấp nhiều lần.
Đồ ăn Việt chưa xứng tầm
Dù bày tỏ sự không hài lòng trước việc sính ngoại của người tiêu dùng Việt nhưng hầu hết độc giả đều đồng ý rằng cách quản lý, phục vụ kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của các thức ăn nhanh ngoại hơn hẳn các cửa hàng, quán ăn trong nước. Đọc giả Cuti nhận xét: “Các cửa hàng thức nhanh nước ngoài đều giống nhau ở chỗ là nề nếp quản lý. Cửa hàng Việt Nam thì khác. Nếu đắt hàng thì bắt đầu chảnh chọe hoặc làm ẩu, làm dơ, ít có sự tiếp thu cải tiến quản lý lắm. Giờ ai đó đầu tư kế bên McDonald’s này, bên trái là bún bò, bên phải là bún riêu, kế nữa là phở bánh mì (bánh mì Việt Nam có nhiều nơi ngon nổi tiếng, rẻ nữa) và sau cùng là phải có tổ chức quản lý đâu ra đó, sạch sẽ thì sẽ ăn đứt McDonald’s như chơi”. Bạn đọc Sao Mai thì đưa ra dẫn chứng: “chỉ có bánh mì thôi cũng đã gây ra bao vụ ngộ độc rồi, thua ngay trên sân nhà là một thảm bại của các doanh nghiệp thức ăn nhanh Việt Nam”.
Nhiều người còn quay lại chê trách cách chế biến và bán hàng của người Việt bằng việc so sánh: “Nếu thức ăn khác ngon lành, bảo đảm an toàn thực phẩm thì đâu ai muốn ăn fast food làm gì? Ví dụ ở Sydney, tại các khu vực có đông dân Việt Nam thì McDonald’s cũng có chi nhánh nhưng chỉ thời gian ngắn là dẹp tiệm vì cạnh tranh không nổi với các tiệm bún bò Huế, phở, cơm tấm và hàng trăm món hấp dẫn khác của đường phố Cabramatta. Ngay cả người Úc cũng xếp hàng mua bánh mì thịt và nước mía, chè ba màu. Gặp bạn gái lần đầu mà rủ đi McDonald’s sẽ bị chê là nhà quê!” - Bạn đọc Thủy Tiên bức xúc.
Xu hướng tất yếu
Bên cạnh những ý kiến chủ quan thì vẫn có đọc giả phân tích khá khách quan về sự hiện diện tất yếu của các thương hiệu thức ăn ngoại tại Việt Nam dù văn hóa ẩm thực Việt hết sức phong phú và không hề thua kém với các nước. Đọc giả M.Ngọc cho rằng: “McDonald's vào Việt Nam cũng như món phở Việt xâm nhập nước Mỹ lâu nay. Một khi đã gia nhập WTO (Tổ chức thương mại thế giới) chúng ta không thể ngăn sông cấm chợ được, mà phải chấp nhận các thương hiệu và hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam. Vấn đề ở đây là xây dựng thương hiệu. Tại sao từ một món ăn nhanh bình thường mà người Mỹ đã tạo được thương hiệu nổi tiếng toàn cầu với cách làm bài bản, chuyên nghiệp. Trong khi Việt Nam có rất nhiều món ăn ngon mà chúng ta không làm được như họ? Đừng vội chê bai đồ ăn của họ, họ có phân khúc khách hàng riêng, nếu không thích thì bạn đừng tới ăn, còn khi bạn đã ăn thì bạn sẽ thay đổi cách nghĩ về họ. Cách tốt nhất để cạnh tranh lành mạnh là tôn trọng đối thủ và học hỏi cái hay của họ để làm sao ẩm thực Việt Nam có thể sánh ngang và vượt họ về thương hiệu và sự chuyên nghiệp”.
Cùng chung ý kiến, độc giả Nguyen Long Xuan nói: “Tôi nghĩ chúng ta đừng nên ngồi đó mà than vãng. Hội nhập toàn cầu là xu hướng tất yếu. Họ có quyền kinh doanh miễn sao phù hợp với luật pháp và các hiệp định mua bán song phương, đa phương. Việc chúng ta tự đánh mất sân nhà là do tầm nhìn và năng lực chúng ta còn hạn chế, chưa dám mạnh dạn đầu tư đón đầu. Nói về thực lực thức ăn chế biến sẵn thì Việt Nam chúng ta không hề yếu kém. Những thương hiệu lớn hoàn toàn có thể đối đầu và chắc thắng như Vissan hay Cầu Tre... chẳng hạn, họ chỉ cần bước thêm một bước nữa thôi là có thể trở thành các thương hiệu thức ăn nhanh có tiếng tăm và tầm cỡ”. Tuy nhiên, theo độc giả này, điểm yếu của chúng ta là tư duy kinh doanh còn rất thụ động, chưa có tầm nhìn đón đầu. Chúng ta thường theo đuôi sao chép nên dễ dàng bị dính bẫy tụt hậu và trở thành kẻ lót đường cho các doanh nghiệp lớn nước ngoài xâm chiếm dần thị trường nội địa.
Tính đến thời điểm này, hầu hết các thương hiệu thức ăn, đồ uống lớn trên thế giới đều đã có mặt Việt Nam như KFC, Lotteria, Pizza Hut, Domino Pizza, Buger King, Starbucks, Dunkin Donut và mới nhất là McDonald’s đều đã có mặt tại Việt Nam. Các thương hiệu này đã và đang tạo được chỗ đứng, cũng như thị hiếu ẩm thực mới cho người Việt, điều mà các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm được, thậm chí việc tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các thương hiệu này cũng rất ít. Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng vẫn còn cơ hội cho doanh nghiệp trong nước nếu biết tận dụng làn sóng thương hiệu ngoại đổ bộ mạnh mẽ bằng việc chuẩn hóa chất lượng sản phẩm của mình từ sản xuất, chế biến, đóng gói đến việc trau chuốt thương hiệu.
Bình luận (0)