Trong cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam, về cơ bản bao giờ cũng có đủ các món: mặn, xào, canh và cơm; trong đó, hầu như lúc nào cũng có cơm và chén nước chấm.
Cuộc sống hiện đại, thói quen phải thay đổi
Tuy nhiên, thói quen ăn uống trên lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh mạn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, gout... khiến chất lượng sống giảm xuống nghiêm trọng.
Nói về tình huống nhiều người ở độ tuổi 40-50 đã mắc bệnh tăng huyết áp, lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, cho rằng lượng muối phù hợp trong bữa ăn mỗi người còn tùy vào mức độ vận động của họ. Người lao động nặng hoặc tập luyện thể thao nặng sẽ bị mất muối nhiều khi đổ mồ hôi. Người ngồi văn phòng không đổ mồ hôi, không mất muối mà ăn như người lao động nặng thì đương nhiên sẽ thừa muối, sinh bệnh.
Khi nếp sống thay đổi, ít vận động thì lượng thức ăn cũng cần phải ít đi Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Lượng đồ ăn và kết cấu bữa ăn cũng vậy: nếu nếp sống thay đổi khiến mức vận động khác biệt, phải ăn ít đi. Ngoài ra, trong thời buổi mà béo phì đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu, để giữ cân nặng lành mạnh nên ăn trái cây thay cho đồ ngọt và ăn trước khi ăn cơm. "Tốt nhất ăn suất trái cây tráng miệng đó trước bữa chính khoảng 1 giờ. Thời gian đó vừa đủ để khi ăn bữa chính không còn cảm thấy quá đói, sẽ có xu hướng ăn ít hơn và từ tốn hơn. Ăn chậm, nhai kỹ sẽ tốt cho quá trình tiêu hóa, chuyển hóa, giúp giảm tích mỡ thừa và cảm giác thèm ăn sau đó" - lương y Đinh Công Bảy giải thích.
Với mô hình bệnh tật ngày nay, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên cân nhắc lại nhiều thói quen được coi như "truyền thống" trên bàn ăn. Ví dụ chén nước chấm: nếu món ăn đã được nêm nếm hay tô bún, mì đã có gia vị thì chén nước chấm sẽ thành thủ phạm gây thừa muối. Người bị đái tháo đường không nên lạm dụng caramen (nước màu), nước dừa, mật ong khi nấu nướng vì chúng cũng là đường, chứ không phải kiêng ăn ngọt là đủ. Gia vị thì nên cân bằng. Cay nhiều thì tốt cho tim nhưng hại phổi, vì vậy cay vừa phải để ngon miệng là đủ.
Ngoài ra, nên giảm muối bằng cách giảm các loại gia vị mặn chứa nhiều muối được cho vào trong quá trình nấu ăn; hạn chế các món kho, rim, rang; hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối như chả, xúc xích, thịt xông khói, bánh mì, dưa cà muối, cá khô, mì ăn liền...
Bồi bổ cũng phải đúng cách
Không ít cụ ông, cụ bà phải tìm đến bác sĩ sau khi được con cháu tẩm bổ để bù đắp cho những năm tháng vất vả. Theo bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), nhiều món được cho là bổ thường cung cấp nhiều axít amin và axít béo no, không phù hợp với người lớn tuổi có khả năng chuyển hóa giảm. Người già cũng dễ dị ứng khi ăn món lạ.
Các món được người Việt cho là thanh đạm thật ra lại tốt cho người cao tuổi. Chẳng hạn, ăn cá là rất tốt khi cá giúp cung cấp các axít béo không no lành mạnh, lại dễ tiêu. Ngoài ra, đạm thực vật cũng là đạm tốt. Dầu ăn nên là dầu thực vật. Ăn nhiều rau, trái cây để có chất xơ giúp hệ tiêu hóa đã lão hóa có thể vận hành trơn tru. Người cao tuổi cũng dễ gặp rối loạn dung nạp glucose nên không nên ăn nhiều bánh ngọt và tinh bột. Bữa ăn chất lượng tốt với người cao tuổi nên là những thức ăn có nhiều dưỡng chất, dễ tiêu hóa, cân bằng các thành phần chứ không phải nhiều về số lượng hay "của ngon vật lạ".
GS-TS Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng an toàn thực phẩm Trường Đại học Y Hà Nội - lưu ý đến việc ăn kiêng khem thái quá của một số bệnh nhân ung thư vì lo sợ nạp nhiều chất dinh dưỡng vào cơ thể sẽ "vỗ béo" tế bào ung thư, khiến bệnh tình phát triển nhanh hơn. Đây là quan điểm sai lầm và phản khoa học. Theo GS-TS Lê Thị Hương, không thể phân tách rạch ròi thức ăn nào là dành cho tế bào khỏe mạnh, thức ăn nào dành cho tế bào ung thư. Điều quan trọng là ăn đủ chất sẽ nuôi dưỡng các tế bào lành, giúp tăng cường khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể. Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư. Do vậy, hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư. Người bệnh đang điều trị không cần kiêng khem nghiêm ngặt nhưng nên lưu ý ăn ít mà đủ dinh dưỡng, giàu năng lượng và giàu đạm.
Đừng để bệnh vì... trái cây
Ăn trái cây "nguyên bản" là lời khuyên của các chuyên gia. Theo các bác sĩ, thói quen cần tránh nhất là chấm muối khi ăn trái cây, vì rất dễ thừa muối. Kế đến hãy ăn nhiều loại trái cây, ưu tiên các trái cây ít ngọt.
Nước trái cây cũng không phải là lựa chọn thực sự lành mạnh. Công trình do 2 trường đại học Mỹ là Đại học Emory (Atlanta) và Đại học Cornell (New York) công bố năm 2019, cảnh báo uống quá 355 ml nước trái cây không đường mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ chết sớm (tỉ lệ lên tới 24%). Nguyên nhân vì uống nước trái cây sẽ nạp vào cơ thể lượng đường cộng dồn của một lượng trái cây lớn trong khi phần xác có chất xơ lành mạnh bị bỏ đi.
A.Thư
Bình luận (0)