TS Châu Huy Quang:
Cần một đạo luật chuyên biệt
Pháp luật hiện hành nhìn chung nghiêm cấm bán rượu, bia cho trẻ em hoặc cho trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng rượu, bia. Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) nghiêm cấm người điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; người điều khiển môtô, xe máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/l khí thở.
Kinh doanh rượu nằm trong danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Thương nhân muốn hoạt động kinh doanh rượu phải đáp ứng các điều kiện và phải được cấp giấy phép tương ứng với hoạt động của mình theo quy định tại Nghị định (NĐ) 105/2017/NĐ-CP. Cơ sở hoạt động sản xuất - kinh doanh bia phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm (sản phẩm bia hiện chưa được quy định quản lý theo một văn bản nghị định riêng). Tuy nhiên, việc quản lý kinh doanh rượu, bia mới chỉ được quy định trong các NĐ của Chính phủ và chưa có tính thống nhất trong hướng dẫn thực hiện.
Trước tình trạng sử dụng bia, rượu tràn lan như hiện nay, cần một giải pháp toàn diện hơn để ngăn chặn, khắc phục; đồng thời, hài hòa lợi ích giữa nhóm doanh nghiệp sản xuất, nhu cầu người dân và lợi ích của xã hội. Theo đó, một đạo luật chuyên biệt về phòng chống tác hại của rượu, bia được trông đợi sớm ban hành để tạo khung pháp lý đầy đủ trong việc quản lý sản xuất, buôn bán, lưu hành rượu, bia, quảng cáo, cung cấp rượu, bia cho người dân.
Về khía cạnh kinh tế, cần rà soát và xem xét lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với nhóm mặt hàng rượu, bia. Hiện nay, mức thuế TTĐB của Việt Nam đối với rượu từ 20 độ trở lên là 50%, rượu dưới 20 độ là 25% và đối với bia là 50% theo Luật Thuế TTĐB (2008).
Với hậu quả của rượu, bia trong những năm gần đây, mức thuế TTĐB hiện hành không còn phù hợp trong việc hạn chế và giảm thiểu tiêu thụ rượu, bia trên thị trường. Việc tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia là cần thiết, có thể tác động trực tiếp đến nhà cung cấp và điều tiết lại nhu cầu người tiêu dùng.
Ngoài ra, chủ trương và chính sách của nhà nước nhất quán trong việc quản lý chặt chẽ đối với rượu, bia. Tuy nhiên, các quy định và biện pháp thực thi vẫn là khâu yếu kém trong thực tiễn nên không ngăn chặn hiệu quả việc sử dụng rượu, bia và hoạt động kinh doanh rượu, bia giả trên thị trường.
Vi phạm trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo NĐ 185/2013/NĐ-CP ở mức tối đa đối với tổ chức sản xuất rượu công nghiệp là 200 triệu đồng. Vi phạm về kinh doanh phân phối, nhập khẩu rượu có thể bị phạt tối đa 100 triệu đồng đối với tổ chức. Việc bán rượu sai đối tượng, sai phương thức có thể bị phạt tối đa 10 triệu đồng đối với tổ chức. Mức xử phạt trên chưa đủ sức răn đe, thực tế cho thấy việc mua bán lẻ rượu, bia diễn ra dễ dàng tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, quán ăn đường phố... Rượu, bia vẫn được bán lẻ cho mọi lứa tuổi vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Thực tế này gây hoài nghi về khả năng quản lý, giám sát thị trường cũng như việc áp dụng và thực thi nghiêm túc biện pháp hành chính sẵn có của cơ quan quản lý.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông do xe container gây ra ngày 2-1 ở huyện Bến Lức (tỉnh Long An) làm 4 người chết, 18 người bị thương. Tài xế khai điều khiển xe sau khi dự tiệc ở nhà người quen và có uống rượu, biaẢnh: Minh SơnLuật sư Nguyễn Văn Đức:
Xử theo nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe
Theo quy định tại điều 260 Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi gây tai nạn giao thông (TNGT), trong đó tình tiết "trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định" được nhà làm luật xác định là tình tiết định khung tăng nặng theo điểm b, khoản 2 với mức hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù.
Nếu người tham gia giao thông gây TNGT mà mức độ cồn đo được dưới ngưỡng quy định thì không bị xử lý theo điểm b, khoản 2 điều 260 BLHS mà tùy vào hậu quả xảy ra sẽ xem xét xử lý ở các tình tiết tương ứng. Trường hợp người tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia nhưng không gây TNGT thì tùy theo nồng độ cồn đo được tại thời điểm vi phạm, có các mức xử phạt vi phạm hành chính khác nhau, bị phạt tiền từ 2 triệu đến 18 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 2 đến 6 tháng (NĐ 46/2016/NĐ-CP).
Trước diễn biến phức tạp của tình hình TNGT, cần xem xét, sửa đổi Luật GTĐB theo hướng cấm người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra như thời gian qua.
Trước nay, quan niệm của các nhà làm luật cũng như cơ quan tiến hành tố tụng đều xác định lỗi của người gây TNGT với hậu quả chết người, thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của một người với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên là lỗi vô ý (do quá tự tin hoặc cẩu thả). Quan điểm này hiện không còn phù hợp đối với những trường hợp gây TNGT mà nguyên nhân là sử dụng rượu, bia. Ôtô, môtô, xe máy theo khoản 18 điều 3 Luật GTĐB xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Với sự phát triển của khoa học, công nghệ chế tạo ôtô, xe máy đã thiết kế nhiều loại xe với tốc độ rất cao. Nhiều môtô phân khối lớn, ôtô đời mới, chỉ trong vòng 10 giây có thể tăng tốc lên đến cả trăm km/giờ. Nếu người lái những xe loại này mà sử dụng rượu, bia thì có thể trong chớp mắt gây ra những vụ TNGT kinh hoàng.
Về ý thức chủ quan, người uống rượu, bia khi lái xe phải nhận thức rõ là lái xe trong tình trạng có rượu, bia rất nguy hiểm, có thể gây TNGT bất cứ lúc nào. Pháp luật buộc người điều khiển xe phải nhận thức được hành vi của mình có thể gây hậu quả chết người, gây thương tích cho người tham gia giao thông, mặc dù không mong muốn nhưng vẫn để mặc hậu quả xảy ra. Vì vậy, khi đã uống rượu, bia mà vẫn lái xe thì phải xác định lỗi trong trường hợp này là cố ý gián tiếp. Theo khoản 2, điều 10 BLHS 2015, lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Với lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả đến đâu thì phải bị xử lý với tội danh tương ứng. Nếu gây TNGT làm chết người thì phải xử lý về tội "Giết người", gây thương tích cho một hoặc nhiều người mà mức thương tật từ 61% trở lên thì phải xử lý về tội "Cố ý gây thương tích".
Hiện nay, việc xử lý những người gây TNGT có nồng độ cồn vượt mức cho phép theo điều 260 BLHS, với mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Mức hình phạt này rõ ràng là chưa tương xứng với hậu quả mà hành vi của người gây TNGT gây ra. Tính mạng, sức khỏe của con người là như nhau và được pháp luật bảo hộ thì không có lý do gì họ bị tước đoạt tính mạng, gây tổn hại cho sức khỏe trái pháp luật mà lại có sự phân biệt về tội danh.
65.000 tỉ đồng phòng chống tác hại rượu, bia
Theo công bố của Bộ Y tế gần đây, mỗi người Việt Nam bình quân tiêu thụ 6,6 lít cồn/năm (5 năm trước chỉ 3,8 lít). Nhóm tuổi vị thành niên, thanh niên có tỉ lệ uống rượu, bia tăng gần 10% sau 5 năm. Cũng theo Bộ Y tế, phần thuế đóng góp của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bia, rượu vào ngân sách nhà nước là 50.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mức chi phí thấp nhất phải bỏ ra cho việc phòng chống tác hại rượu, bia, trong đó có bệnh tật, tai nạn, không có việc làm lên đến 65.000 tỉ đồng.
Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho biết chi tiêu cho rượu, bia đạt khoảng 5 tỉ USD/năm, tới mức 450 USD/người/năm, tương đương với những quốc gia có thu nhập bình quân gấp 10 lần Việt Nam.
Bình luận (0)