"Không biết bằng cách nào, với nguồn năng lượng vô tận ở đâu mà tôi luôn thấy hình bóng anh "trên từng cây số" ở các điểm nóng chống dịch. Nhiều lúc tôi đùa anh nhưng lòng đầy khâm phục: "Anh ăn không khí, uống niềm vui để có sức à?".
Anh Trương Văn Đạt bên "Gian hàng 0 đồng" do anh và các sinh viên tổ chức và thăm hỏi, động viên các sinh viên tham gia chống dịch. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Trương Văn Đạt hướng dẫn sinh viên nhập liệu sau khi xét nghiệm Covid-19 cho người dân
Ðó là những cảm nhận của tác giả Nghĩa Huỳnh trong bài viết "Thầy thuốc trẻ xông pha nơi tuyến đầu" tham gia cuộc thi "Người thầy thuốc trong tôi" do Báo Người Lao Ðộng tổ chức, về thạc sĩ - dược sĩ Trương Văn Ðạt, Bí thư Ðoàn Trường ÐH Y Dược TP HCM.
Những ngày cuối năm, hẹn gặp dược sĩ Trương Văn Ðạt thật khó vì lúc nào anh cũng bận rộn. Lịch làm việc của anh dày kín những buổi giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tham gia chương trình tình nguyện, hội thảo về chăm sóc sức khỏe sau Covid-19 cho người dân, nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở…
Một buổi tối muộn mới đây, chúng tôi mới có thể gặp nhau ở một quán cà phê khi phố xá đã rực rỡ ánh đèn. Sau một ngày dài tất tả xuôi ngược, anh mệt mỏi tựa lưng vào thành ghế. Vậy mà ngắm dòng xe hối hả bên đường một lát, anh đã phấn chấn hẳn lên.
Có lẽ với anh, cuộc sống nhộn nhịp ngoài kia như cơn gió mới, xua tan không khí ảm đạm bao trùm thành phố suốt đợt dịch bùng phát lần thứ 4 vừa qua. Nhìn vào mắt Ðạt, người đối diện cảm nhận rõ rệt niềm hạnh phúc của anh khi nói về thành phố dần mở cửa…
Tháng 5-2021, khi Bắc Giang trở thành điểm nóng Covid-19, các đoàn y - bác sĩ từ TP HCM lần lượt lên đường ra Bắc hỗ trợ chống dịch. Anh Ðạt đứng ngồi không yên, bắt đầu lên kế hoạch chi viện.
Anh Ðạt đã viết thư kêu gọi đồng nghiệp lên đường vào tâm dịch. Ðiều khiến anh lo lắng là các đồng nghiệp chỉ mới tiêm 1 mũi vắc-xin và chưa có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân Covid-19, chưa hình dung được những vất vả, hiểm nguy sắp tới.
"Thế nhưng, sau một đêm phát động, nhiều người đã hưởng ứng, đăng ký ra "chiến trường", trong đó có bác sĩ Phạm Minh Hiệu, công tác tại Bệnh viện ÐH Y Dược TP HCM. Trước ngày lên đường, bác sĩ Hiệu đã nhờ đồng nghiệp cạo đi mái tóc của mình. Hình ảnh bác sĩ Hiệu với nụ cười tỏa nắng đã truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần xông pha nơi tâm dịch" - anh Ðạt nhớ lại.
Khi dịch bệnh ở Bắc Giang dần được kiểm soát thì TP HCM bắt đầu xuất hiện những ca F0. Rồi bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh, số người trở nặng và tử vong ngày càng nhiều.
Sốt ruột, anh Ðạt liền kêu gọi đội ngũ giảng viên và sinh viên Trường ÐH Y Dược TP HCM vào cuộc. Anh cho biết: "Lúc cao điểm dịch bệnh ở TP HCM, toàn trường có hơn 5.500 người tham gia chống dịch. Chưa có sự kiện nào mà cả trường đồng lòng như vậy".
Ðiều anh Ðạt lo ngại rồi cũng xảy ra - một sinh viên năm cuối đi lấy mẫu cộng đồng đã nhiễm bệnh. "Ðang căng thẳng với bao nhiêu công việc, từ chăm sóc F0 đến các dự án dang dở, tôi nhận được cuộc gọi báo tin sinh viên đầu tiên của trường tham gia chống dịch mắc Covid-19. Lúc đó, mắc Covid-19 là chuyện kinh khủng. Phụ huynh cuống cuồng lo lắng, chúng tôi cũng hoang mang nhưng động viên nhau phải vững tâm" - anh kể.
Sau thời gian điều trị, sinh viên ấy đã hồi phục và quay lại đăng ký vào bệnh viện dã chiến chăm sóc F0. Tính cả đợt, Trường ÐH Y Dược TP HCM có đến 270 sinh viên mắc Covid-19 nhưng khi khỏi bệnh, họ lại tiếp tục tham gia tuyến đầu chống dịch.
Hình ảnh các sinh viên trong bộ đồ bảo hộ kín mít vừa tham gia chống dịch vừa tranh thủ ôn bài, học online để lại ấn tượng khó phai đối với anh Ðạt. "Chứng kiến cảnh ấy, tôi nhận ra một điều: Chính ý chí và nghị lực là những yếu tố giúp đồng đội chúng tôi vượt qua tất thảy khó khăn" - anh xúc động.
Không chỉ là thuyền trưởng điều khiển chuyến tàu tình nguyện vào tuyến đầu với các công việc chăm sóc bệnh nhân, tiếp sức đồng đội…, anh Ðạt còn tham gia mạng lưới tư vấn, chăm sóc F0 tại nhà. Ðiều thú vị là qua công việc này, người thủ lĩnh đoàn thanh niên của một trường y dược lại học hỏi được thêm ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn ở nhiều bệnh nhân.
"Có vợ chồng cô chú kia khoảng 63-65 tuổi, đều mắc bệnh nền. Cô chú tự trang bị kiến thức về dịch bệnh, chuẩn bị sẵn các thiết bị hỗ trợ, dù có nguy cơ cao nhưng vẫn xin tự điều trị ở nhà. Sau 2 tuần được tư vấn, hỗ trợ, cô chú đã chiến thắng dịch bệnh. Từ đó, họ trở thành hạt nhân tích cực lan truyền kinh nghiệm cho nhiều bệnh nhân khác, giúp họ vững tâm" - anh Ðạt dẫn chứng.
Lăn xả tham gia chống dịch, rốt cuộc anh Ðạt cũng nhiễm bệnh vào cuối tháng 8-2021. Bất chấp mắt hoa đầu váng, mệt mỏi vì mất khứu giác và vị giác, anh vẫn không để công việc gián đoạn. Liên tục gọi điện thoại, nhắn tin điều hành công việc từ xa rồi anh hoạch định lại các kế hoạch… "Thay vì đếm từng giờ mong hồi phục sức khỏe để được sớm quay lại tuyến đầu chống dịch, tôi không để một ngày nào trôi qua lãng phí" - anh bộc bạch.
Vừa hoàn thành cách ly, anh Ðạt đã lao vào công việc như để bù lại quãng thời gian gần 1 tháng phải quanh quẩn trong bốn bức tường. Ban ngày, anh đến các bệnh viện điều trị Covid-19 hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế; phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ TP HCM thực hiện dự án 15.000 túi thuốc cho F0. Ðêm xuống, anh cùng sinh viên tiếp nhận các chuyến xe rau củ quả, nhu yếu phẩm từ các nơi gửi về "Gian hàng 0 đồng".
Nhiều hôm, anh Ðạt chỉ ngủ 3-4 giờ đã phải trở dậy, cùng sinh viên bốc dỡ hàng hóa, rong ruổi khắp nơi trao tặng thực phẩm miễn phí… Năng lượng tích cực từ người giảng viên, bí thư Ðoàn trường ấy đã lan tỏa đến các sinh viên và đồng nghiệp, để tất cả cùng nhau vượt qua khó khăn, tiếp tục đồng hành với thành phố đẩy lùi dịch bệnh.
Ngoài công việc ở Trường ÐH Y Dược, thạc sĩ - dược sĩ Trương Văn Ðạt còn là Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP HCM. Anh là một trong những gương "Thanh niên sống đẹp" năm 2021 của TP HCM. Trước đó, anh cũng được chọn là 1 trong 10 gương mặt Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018.
Bình luận (0)