Ba tôi đi chợ hoa ngày Tết
TP HCM những chiều cuối năm dần nhộn nhịp. Những bộn bề lo toan nấp khẽ sau ghi-đông xe máy của dân công sở, tròng trành trèo vào thùng chở trái cây bán dọc đường, làm ai cũng có chút mông lung vội.
Bên góc lề đoạn Phạm Văn Đồng đã bày vài chậu hoa, đủ màu đỏ, vàng, cam, tím. Người bán ngồi gần đó ngó trông trên cái ghế nhựa đem theo, dưới ánh nắng nhạt dần của buổi chiều cuối chạp. Bóng đèn huỳnh quang trắng được câu mắc nháy sáng, biến màu hoa Tết quyện thêm chút huyền diệu.
Những ngày còn bồng bềnh giữa tháng chạp, tôi hay ngó sang từ dòng người tan làm chật cứng, muốn tấp xe vào lề chọn một chậu mà ngập ngụa mắc kẹt giữa phố. Đi không đành mà đứng cũng chẳng đặng. Cứ như dòng chảy thời gian, muốn bóp thắng dừng tạm ở đoạn yên vui mà cuộc đời mãi đẩy xô chảy xiết. Trong sắc hoa xuân, tôi như thấy bóng ba nhập nhằng cùng phố phường cận Tết. Hồi lâu, mới bất giác bật cười, bởi tôi hiểu một "căn bệnh" cũ mang tên hoài niệm lại được dịp tái phát..
...Hoài niệm về những chợ hoa Tết cùng ba.
Chợ hoa ngày Tết
Ba tôi hay tự đùa mình là thợ đụng. Đụng gì làm nấy. Nhiều năm trước, ba chạy xe ôm, rồi đi biển đánh cá. Tết về, ba cùng mẹ đẩy xe cút kít bán bánh kẹo ở chợ. Có năm rỗi rảnh, ba còn nhập mấy chục chậu vạn thọ về bán. Mấy chậu hoa nhỏ xếp ngay ngắn bên lề gần nhà văn hóa của thôn, ai đi qua cũng ngó mà dùng dằng chờ tới tối giao thừa mới chịu hỏi giá. Ba ngồi chép miệng đùa, bảo đây là chợ hoa "thủng thẳng". Thủng thẳng mua, thủng thẳng mặc cả. Mà Tết, nào có thủng thẳng đợi cho người bán hoa bao giờ?
Ba thường đem theo cái giường xếp nhỏ, đặt cạnh mấy hàng hoa để nằm trông coi chặp tối muộn. Hôm nào trời hửng thì đỡ, phải lúc mưa dầm dề là cả người cả hoa cứ nhạt nhòa rũ rã. Có năm trời thương thì đủ tiền mua mấy buồng chuối đẹp thờ nội. Năm nào thất bát thì hoa cỏ ê chề, tối 30 ba tay này đùm tay nọ, đem mấy chậu còn dư vào chùa lễ Phật. Tôi đứng cạnh ba trước lư hương nghi ngút khói, nghe ông lẩm bẩm khấn mấy thứ ước mong cho con cái năm sau.
Dạo chợ hoa Tết
Ba sống lành, mà người như vậy lại thường cảm tính. Có lần, nhìn mấy chậu hoa bán ế của hàng bên cạnh bị đập vỡ lúc gần giao thừa, ba lại rưng rưng chùi khóe mắt. Về nhà, ba sụt sịt dặn dò, có mua hoa thì đừng chờ muộn để ép giá hơn thua. Đã yêu sắc thắm thì nên tôn trọng giá trị, học thương cả những "con buôn" mắc võng nâng niu từng vốc lá, như ba của mấy đứa ngày nào.
Tới khi ba chẳng còn bán buôn, chúng tôi vẫn giữ thứ tình cảm sâu nặng với nó. Chợ hoa "thủng thẳng" trở thành ký ức đoàn viên mà chúng tôi cùng xây đắp qua từng cái Tết đã xa. Ba bảo, Tết mà thiếu nó thì thiếu cả không khí để thở: Cái thứ không khí nôn nao mong đợi; cái không khí vui mừng chuẩn bị sắm sửa; cái không khí lập xuân đang chảy qua từng cánh hoa, dạy mình biết trân trọng điều cũ, háo hức điều mới.
Thói quen đó giữ mãi tới 4 năm về trước, khi ba đột ngột qua đời trong một tối vắng lặng.
Đoạn đường về quê dần lạc lõng chẳng người đón đưa. Năm Tết đầu, tôi bắt một chiếc xe ôm, thấy mái tóc muối tiêu giống ba của chú xế già mà mắt cứ lộp độp nhòe ướt.
Năm thứ hai, tôi đón một chiếc xe khách nhỏ. Mấy cô chú ngồi cạnh để mấy chậu hoa dưới sàn, cạnh bên chân. Cái không khí ngỡ quen tựa lạ bất chợt tập kích khiến tôi cứ chảy nước mắt.
Mãi sau này, khi nỗi đau phai dần sau những cú ngã, tôi mới lại chòng chành chọn lựa giữa vườn hoa xuân ngày cũ. Nhưng cái cảm giác háo hức đã chẳng còn như trước. Thời gian cuốn đi tất cả, chẳng chừa một ai.
Tết năm nay tôi "phượt" về quê, mang trong mình cái lạ lẫm của "bình thường mới". Bớt chút rôm rả, nhiều chút tự sự. Nghĩ về mất mát năm cũ, nguyện cầu năm mới bình an. Có lẽ dần dà cái Tết đã không quá khác biệt với những người lớn chưa muốn lớn, với những đứa trẻ tưởng mình lớn, với những người lưng chừng nửa muốn lớn lại hối tiếc thanh xuân. Đường về nhà vì thế đã trở thành đường mòn trong tim, giúp tìm lại bản thân ở những ngày xưa cũ.
Xe dừng trước cổng hồi lâu với vài điều e ngại. Trong tiếng cười háo hức, bọn cháu xúm xít chạy ra, vừa chia quà vừa kể rôm rả về chợ hoa "thủng thẳng" như mấy chú vẹt nhỏ, làm bản thân phút chốc tưởng mình đã già cỗi đến mức lẫn lã, cần chúng nhắc để không quên những thứ từng nuôi sống tâm hồn mình ngần ấy năm.
Tôi thắp một nén nhang lên bàn thờ. Ba vẫn nhoẻn miệng cười như chẳng có sự cách biệt. Giữa khói trầm quấn quýt, tôi lẩm bấm khấn nhỏ: "Mình cùng đi chợ hoa thủng thẳng, nha ba".
Bình luận (0)