Lại một năm nữa tôi phải đón Tết xa nhà giữa trời Âu giá lạnh cái lạnh của tiết trời, của sự thiếu vắng hơi ấm tình thân.
Tôi là bác sĩ sản phụ khoa, đang làm việc tại một thành phố nhỏ ở vùng Loiret, cách thủ đô Paris 120 km. Thành phố này rất ít người Việt, chưa lần nào tôi bắt gặp đồng hương mỗi khi đi chợ, dạo phố.
Tác giả - bác sĩ Vân Thanh đang làm việc tại Pháp
Thành phố không hề có cửa hàng tạp phẩm Á Châu, chỉ lèo tèo vài quán bán đồ ăn chế biến sẵn của người Hoa phục vụ chủ yếu cho dân Tây đổi vị.
Có lẽ không người con Việt tha hương nào mà không ngậm ngùi, chộn rộn trong lòng khi ngày Tết sắp đến. Riêng tôi, ở một nơi vắng bóng người Việt thì nỗi niềm đó dường như nhân đôi.
Và rồi một ngày giữa tháng chạp, nhìn danh sách bệnh nhân đăng ký khám bệnh, tôi bất ngờ khi có 2 cái tên Việt! Thật ra, gần 3 năm làm việc ở Pháp, tôi cũng từng tiếp xúc không ít bệnh nhân người Việt, nhất là khi tôi còn làm việc ở Paris, nhưng đây là lần đầu tiên tại thành phố nhỏ này gặp đồng hương, khiến tôi vui mừng khôn xiết.
Mở cửa phòng khám, hai phụ nữ Việt đang chờ sẵn. Tôi đọc trong ánh mắt của họ chứa đầy niềm vui khi được gặp một nữ bác sĩ người Việt. Hóa ra họ cũng như tôi, ở tận trời Tây gặp được đồng hương, khôn xiết vui mừng.
Hai cô không giấu được nỗi niềm xúc động, cứ tay bắt mặt mừng, không chỉ để mong tôi kể bệnh rõ ràng hơn, mà còn được "nói cho đã" tiếng mẹ đẻ. Buổi khám kéo dài hơn với câu chuyện hàn huyên tâm sự, những cảm xúc chạnh lòng ngày cận Tết. Mặc tiết trời âm độ C bên ngoài cửa sổ, phòng khám bỗng ùa về không khí đồng hương ấm áp.
Hai cô theo chồng sang Pháp từ những năm đầu thập niên 1990, lúc tôi còn chưa ra đời. Để thuận tiện chỗ làm việc của gia đình, hai cô về sống ở thành phố này ngót 30 năm nay. Một cô đã về hưu còn cô kia mỗi cuối tuần nấu các món ăn Việt theo đơn đặt hàng của các gia đình trong vùng Loiret. Họ chủ yếu làm cho vui, vơi bớt nỗi nhớ quê hương, cha mẹ, chứ ở đây có mấy gia đình Việt đâu!
Những dòng tin nhắn thân thương của một phụ nữ dành cho nữ bác sĩ
Do lịch khám khá dày, thời gian cho một bệnh nhân có giới hạn cũng như trước sự thân tình của 2 cô nên lần đầu tiên tôi cung cấp cho bệnh nhân số điện thoại cá nhân (thường chỉ cho bệnh nhân số điện thoại của bệnh viện cấp).
Ngay khi hết giờ làm việc, tôi đã nhận được những dòng tin nhắn hết sức dễ thương của một cô; từ những lời hỏi thăm gia cảnh, công việc cho tới… ẩm thực. Đoán được công việc bận rộn của tôi nên cô gợi ý nấu món ăn Việt biếu, cũng như không quên mời tới nhà chơi, đặc biệt là mong được đồng hương xông đất ngày Tết.
Mâm cơm ngày cúng ông Công ông Táo của nữ bác sĩ ở Pháp có sự sẻ chia của đồng hương người Việt
Ngày 23 tháng chạp, cô mang lỉnh kỉnh sang nhà tôi một túi đồ to, nào là canh chua, gà kho sả ớt, bánh ngọt và trái cây. Cô nói gia đình chồng chỉ ăn đồ Tây nên gặp được tôi rồi thì nấu đồ Việt cho thỏa thích, chứ nấu ăn một mình vừa mất công vừa... buồn! Vậy là sẵn ngày cúng ông Công ông Táo; sẵn có mâm cơm Việt, bánh tét cậu mợ ở Paris gởi cho..., tôi bày ra bàn rồi khấn vái, tưởng nhớ ông bà, dù trước giờ tôi chưa hề thực hiện nghi lễ này.
Xin cảm ơn cô, cảm ơn nghĩa tình đồng hương mà tôi đã cảm nhận mấy xuân qua. Có lẽ trong mỗi con người, trong cuộc sống này không gì sung sướng hơn là được san sẻ, đón nhận sự gần gũi, thân thương của tình người, của tình đồng hương, dân tộc, nhất là nơi xứ lạ quê người.
Tết này tôi vẫn xa nhà, xa quê hương. Nhưng hạnh phúc thay, giữa trời đông giá lạnh của vùng Loiret nước Pháp, đã có những trái tim Việt ấm áp đang sưởi ấm cho nhau.
Bình luận (0)