Quan tâm là bởi khám và kê đơn trong vòng 1-3 phút thì bác sĩ có thể làm được gì ngoài việc hỏi tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, đau chỗ nào…, sau đó đặt ống nghe, ấn chỗ này chỗ kia trên người bệnh, kiểm tra huyết áp, cuối cùng là chỉ định thực hiện chụp chiếu, xét nghiệm. Người bệnh làm sao có thời gian hỏi thêm gì để được tư vấn trong khi hầu hết họ đến bệnh viện, phòng khám ngoài mục đích để bác sĩ khám còn tranh thủ hỏi thêm về triệu chứng, bệnh tật của mình nhằm biết rõ bệnh tình. Đó là chưa nói để được vào khám, họ phải mất rất nhiều thời gian để làm các thủ tục: nộp tiền tại quầy thu tiền, đợi để được gọi tên vào khám… Có không ít người ngồi đợi 3-4 giờ nhưng chỉ được gặp bác sĩ 1-3 phút, vậy có lãng phí về công sức, thời gian, tiền bạc cho người bệnh?
Đành rằng, mỗi ngày, bác sĩ phải đối diện với số lượng bệnh nhân đông, chịu nhiều áp lực nhưng không thể vì vậy mà cho phép mình làm việc như một cái máy, vô cảm với nỗi đau của người bệnh. Nên nhớ, bên cạnh khám, kê đơn, bác sĩ còn là nhà tâm lý, những lời trấn an, hỏi han của bác sĩ sẽ giúp người bệnh an tâm, bớt đau, bớt lo lắng hơn rất nhiều. Mặt khác, nếu thống kê về thời gian làm viêc trên đây là đúng (mỗi bác sĩ khám, kê đơn trên 100 bệnh nhân/ngày, mỗi người chỉ với 1-3 phút) thì thời gian làm việc thực tế của bác sĩ chỉ khoảng 300 phút, tức 5 giờ/ngày, 3 giờ còn lại để làm gì mà không dành cho người bệnh để họ được hỏi thêm về bệnh tình của mình?
Cung cách làm việc trên đây của một số bác sĩ đã đánh mất ít nhiều tình cảm của người dân dành cho đội ngũ thầy thuốc. Quan trọng hơn, họ đã đi ngược lại phương châm "tất cả vì sự hài lòng của người bệnh" mà ngành y tế đang hướng đến. Xin hãy nhớ rằng "không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người, không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức". Bác sĩ không phải là "cỗ máy" chỉ biết khám bệnh, kê đơn mà còn phải có tấm lòng yêu thương, tận tụy phục vụ người bệnh, "lương y như từ mẫu".
Bình luận (0)