Ông Dương Tuấn Đức – Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho biết, bệnh nhân Triệu V. (Bạc Liêu) từ ngày 2-1 đến 18-5 đã đi khám bệnh 112 lần tại 4 cơ sở y tế. Cụ thể, tháng 1 ông V. khám 21 lần, tháng 2: 25 lần, tháng 3: 31 lần, tháng 4: 26 lần, tháng 5: 9 lần.
Dùng" gần 5.000 viên thuốc trong 4,5 tháng
Hệ thống điện tử đã liệt kê, hầu như ngày nào ông V. cũng đi khám bệnh, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Thậm chí nhiều ngày ông V. đã "chạy tới chạy lui" giữa hai cơ sở y tế để khám bệnh 2 lần/ngày, cụ thể là các ngày 9.1, 23.1, 2.2, 8.2, 16.2, 24.2, 3.3, 4.3, 9.3…
Với 112 lần khám bệnh, ông V. được cấp 112 lần thuốc, với tổng số 4.664 viên/ống thuốc. Tổng số tiền BHYT chi trả cho 112 lần khám là 13,6 triệu đồng. "Bệnh nhân này liên tiếp đi khám và có lẽ đây đã trở thành một "nghề". Và nếu thực sự bệnh nhân đã sử dụng hết số thuốc được cấp mà vẫn còn khỏe mạnh thì có lẽ đây là một "hiện tượng" của ngành y tế" - ông Đức nhận xét.
Có sự chênh lệch trong thời gian nằm viện giữa bệnh nhân dịch vụ và bệnh nhân BHYT cùng thực hiện 1 kỹ thuật ở BV Mắt T.Ư (ảnh: Khám mắt ở BV Mắt T.Ư). ảnh: Diệu Linh
Còn bệnh nhân Lê Ngọc T. (Sóc Trăng) đã đi khám 150 lần tại trạm y tế trong vòng hơn 4 tháng qua. Ông T. "yêu" đi khám bệnh đến nỗi đi khám đều cả 5 ngày nghỉ Tết âm lịch từ 30 tháng Chạp đến mùng 4 Tết (tức 27-31.1 dương lịch). Tổng số tiền BHYT thanh toán cho bệnh nhân này là hơn 17,2 triệu đồng.
Ông Đức cho biết, có một thời gian dài bệnh nhân T. chỉ đến trạm y tế để thay băng mỗi ngày với giá tiền 233.000 đồng/lần thay: "Giá thay băng theo quy định chỉ được 55.000 đồng/lần. Do đó, chúng tôi đã yêu cầu BHXH Sóc Trăng thu hồi tiền thu sai cho dịch vụ thay băng, thu hồi số tiền hơn 16 triệu đồng".
Bà Trần Thị H. (TP HCM) đã đến khám tại Phòng khám đa khoa Phước An tới 87 lần /4 tháng đầu năm 2017. Cứ cách 1 tuần bệnh nhân này lại được chỉ định làm một loạt các xét nghiệm, kê các đơn thuốc. Và hàng ngày bệnh nhân liên tục được điều trị bằng điện phân dẫn thuốc, tia hồng ngoại, siêu âm, dòng điện xung...
Nhiều chiêu trò trong bệnh viện
Không chỉ bệnh nhân "vượt trội" về số lần khám mà tại nhiều cơ sở y tế, hệ thống giám định điện tử đã "khui" ra nhiều bất thường về tần suất khám chữa bệnh, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh; các tỉnh, cơ sở khám chữa bệnh gia tăng chi phí đột biến; những trường hợp bất thường như kéo dài ngày nằm viện, đề nghị thanh toán không đúng quy định; chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết...
Ông Lê Văn Phúc – Phó Ban phụ trách Ban thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) đã chia sẻ thông tin: Tại Bệnh viện Thái Thượng Hoàng (Nghệ An), có bác sĩ hàn composite cổ răng với thời gian bình quân 5 phút/răng- trong khi định mức quy định là 30 phút. Bác sĩ tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Sơn La thực hiện kỹ thuật bó farafin chỉ 10 phút/lần, 2 lần/ngày- trong khi quy định phải 20 phút/lần và 1 lần/ngày.
Còn về hiện tượng kéo dài ngày điều trị để thu tiền, ông Đức ví dụ kỹ thuật phẫu thuật thay thuỷ tinh thể một mắt đơn thuần (mổ Phaco) chỉ cần nằm viện 1 ngày, bình quân số ngày nằm viện của bệnh nhân thực hiện kỹ thuật này là 1,7 ngày. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa, trung bình 1 bệnh nhân nằm 7,1 ngày, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên cần 6,3 ngày, Bệnh viện Mắt Sơn La: 7,5 ngày... Còn ở nhiều bệnh viện mắt khác, bệnh nhân chỉ nằm viện 1 ngày. Chênh lệch tiền giường cho dịch vụ này ở các bệnh viện lên đến hơn 1,9 tỷ đồng.
Trong tháng 4, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi kiến nghị Bộ Y tế rà soát, đánh giá tình hình thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh tại các tuyến để xem xét, sửa đổi định mức kỹ thuật, bảo đảm bù đắp chi phí thực tế thực hiện dịch vụ. Đề nghị ngành y tế tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh.
Bình luận (0)