Hai năm trước tôi có dịp ở lại Paris - Pháp để đón Tết cổ truyền cùng gia đình con gái định cư ở đây. Giáp Tết là chuỗi ngày giá lạnh kéo dài lê thê. Sáng 26 tháng Chạp (hôm đó là chủ nhật), cả nhà đi chợ Tết chuẩn bị mừng năm mới.
Từ nhà, chúng tôi xuống tuyến đường Metro số 7, chạy khoảng 30 phút là đến trung tâm của khu chợ Tết người Việt. Từ vài chục năm nay, khu chợ Quận 13 đã trở thành điểm du lịch không thể thiếu của các du khách gốc Á mỗi khi đến thủ đô nước Pháp. Đã đến Paris nhiều lần và lần nào tôi cũng đến đây để quan sát cuộc sống và sinh hoạt của một bộ phận cộng đồng người Việt xa quê. Ở khu chợ này, ngoài người Hoa chiếm số đông, còn có người Việt, Lào, Campuchia, Thái Lan..., tạo nên một xã hội châu Á thu nhỏ trong lòng kinh đô ánh sáng.
Tác giả trước chợ Tết Việt
Hàng Tết trên đường phố
Vừa bước lên khỏi ga tàu điện ngầm, ngay lập tức cảm thấy như mình đang ở đâu đó tại quê nhà. Đập vào mắt là hàng loạt bảng hiệu hàng quán được viết bằng tiếng Việt. Hai đại lộ chính của khu là Italie và Ivry, cùng nhiều con phố lân cận như Choisy, tràn ngập các cửa hàng với nhiều bảng hiệu phần lớn xuất xứ từ Sài Gòn. Cảm giác thật thân quen; cũng có khá nhiều người bán hàng rong thuộc nhiều quốc tịch trên lề đường Choisy, hay trước cửa chợ Tang Frères trên đường Ivry. Họ bán đủ thứ, từ rau cải đến đậu phộng luộc, bắp nấu.... Họ mời chào bằng tiếng Việt và tiếng Hoa.
Những dãy phố dài với san sát cửa hàng, siêu thị, quầy tạp hóa… làm không khí lúc nào cũng náo nhiệt. Hầu hết các loại thực phẩm châu Á đều có mặt tại đây. Gần đó là thương xá Olympic, nơi có nhiều nhà sách Việt, trong đó có nhà sách Khai Trí rất nổi tiếng ở Sài Gòn xưa.
Băng qua phía bên kia đường Ivry có bảng Tang Freres, nơi đầu một con đường dẫn vào chợ. Đây là ngôi chợ thực phẩm lớn nhất ở khu phố này. Cũng như các ngôi chợ ở Việt Nam, bên ngoài chợ bày bán các loại hoa và trái cây đủ màu sắc... Chợ chỉ có một tầng nhưng khá rộng và bán đủ loại thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam sang, như cà phê Trung Nguyên, bánh tráng, chả giò, mắm nêm, mắm cá lóc, mắm tôm chua, mắm ruốc xào sả, mắm cá cơm...
Chợ Tangfreres
Đặc biệt ở đây có rất nhiều quán phở như Phở Pasteur, Phở Hòa Pasteur, Phở 13, Phở 14, Phở 99, Phở Cây Ớt, Phở Xe lửa, Phở Nghi Xuân, Phở Mùi... Bảng hiệu ghi rõ ràng là Phở, chứ không cần dịch ra tiếng Tây, từ đó có thể thấy phở đã được người Việt mang đi khắp thế giới và trở thành một thương hiệu quốc tế chứ không phải chỉ là món ăn trong nước. Ngoài ra ở khu vực này còn có nhiều hiệu ăn khác bán bún bò Huế, mì Quảng, bánh cuốn… rải rác theo các tuyến phố.
Rời chợ Tang Freres, chúng tôi leo lên bậc thang xi-măng để lên khu thương xá Việt trong một cao ốc mà hình như tầng trên là khu căn hộ. Hành lang thương xá hơi tối nhưng mát mẻ vì có máy lạnh. Đi qua các dãy cửa hàng ăn, nữ trang, quần áo, giày dép... là đến khu phố chợ Tết của người Việt.
Quang cảnh ở đây cũng đậm màu sắc của hàng hóa ngày Tết không khác chi các phiên chợ ở quê nhà. Hoa đào, hoa lay-ơn, hoa huệ... rực rỡ cùng với bánh chưng xanh, dưa món, đủ loại mứt bánh và có cả bia Sài Gòn - phải nói là phục vụ đầy đủ nhu cầu sắm Tết của bà con người Việt tại Paris và nhiều vùng lân cận.
Người Việt đi mua sắm đón Tết
Một chủ cửa hàng ở đây cho chúng tôi biết hàng Tết được nhập từ Việt Nam, một tuần một chuyến chủ yếu là ở TPHCM. Đến 20 tháng Chạp trở đi, khu chợ tăng thêm một chuyến hàng Tết nữa để đem đến cho bà con gạo nếp, đậu xanh, lá dong, bánh mứt, ô mai, lạc rang … Rồi xoài, mãng cầu, thanh long, lạp xưởng, bánh đa nem..., thậm chí cả tỏi, ớt, cũng được mang sang.
Trên đường ra khỏi chợ, chúng tôi gặp một cụ bà người Việt vừa mua được cành đào ưng ý. Sau khi chào hỏi, bà cười rất tươi: "Vui quá, ngày trước ở Việt Nam, năm nào chúng tôi cũng phải sắm một cành đào thật đẹp chưng Tết. Ở bên này, đào tuy nhỏ và ít hoa hơn bên mình nhưng có đào mới có không khí ấm áp để đón năm mới!".
Bánh chưng bày bán ở chợ Việt Nam
Bà cụ người Việt mua đào về chưng Tết
Chúng tôi đi đến khu ẩm thực của người Việt. Khu ẩm thực này chỉ bán trong khoảng từ 25 tháng Chạp đến hết Tết Nguyên đán. Tại đây, bà con có thể đến thưởng thức các món đặc sản như hủ tiếu, bún bò, bánh tét, xôi vò, phở bò… Nhiều gia đình Việt tranh thủ đến thưởng thức các món ăn mà không phải dễ dàng nấu được ở nhà. Nhiều người đến từ rất sớm vừa để hít hà ẩm thực quê nhà vừa để chia sẻ những câu chuyện Tết xưa. Buổi tối, cộng đồng người Việt ở đây còn tổ chức văn nghệ đón chào năm mới...
Sáng 29 Tết, cả nhà chúng tôi xúm xít gói bánh chưng để kịp dâng cúng ông bà khi ngoài trời lãng đãng tuyết rơi. Con gái tôi còn gói để biếu bà con, bạn bè.
Gia đình quây quần đón Tết ở Paris
Năm nay, đại dịch Covid 19 ảnh hưởng quá lớn đến cả thế giới và đến giờ này, Pháp vẫn là quốc gia đang gánh chịu nặng nề. Chợ Tết Việt ở Quận 13 chắc chắn sẽ trở nên hiu quạnh, vắng vẻ hơn nhiều, sẽ không còn cảnh đồng bào tập trung đón Tết vui xuân như mọi năm. Và cũng như kiều bào khắp nơi trên thế giới, người Việt ở Pháp đón Tết cổ truyền dân tộc năm nay với bao nỗi niềm của những người con xa xứ hướng về quê hương...
Nhằm làm phong phú thêm nội dung, tạo sự tương tác cao hơn với bạn đọc, Báo Người Lao Động tổ chức 2 cuộc thi trên Báo Người Lao Động điện tử (NLĐO) dịp Tết Tân Sửu 2021.
Cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động "bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày 1-2 (20 tháng chạp) đến 21-2 (mùng 10 tháng giêng).
Bạn đọc có thể xem thể lệ, giải thưởng về 2 cuộc thi này tại đây .
Lưu ý: do tin bài dự thi của bạn đọc có đính kèm video hoặc hình ảnh có dung lượng khá lớn, nên cần phải giảm dung lượng hình ảnh xuống để gửi hoặc bạn đọc có thể tải lên Google Drive hoặc OneDirve rồi gửi mail chúng tôi link download video, hình ảnh dung lượng lớn đó. Nếu gặp trục trặc trong việc gửi tin bài dự thi xin vui lòng liên hệ qua email: xuanonline@nld.com.vn
Bình luận (0)