Giáp Tết, dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Cả nước trải qua nhiều ngày sống trong căng thẳng. Chiếc khẩu trang xuất hiện thường trực trên đường phố.
Những con đường vắng hoe, trái ngược với không khí chộn rộn, đông đúc cận Tết những năm trước. Hầu hết mọi người dân đều tuân thủ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự kêu gọi của toàn xã hội về phòng chống dịch Covid-19.
Nhiều hoạt động lao động, sản xuất bị ngừng lại hoặc hoạt động cầm chừng, trừ những ngành thiết yếu. Ai không có việc mà ra đường thì cũng bị nhắc nhở, thậm chí phạt nếu cố tình vi phạm. Trong những ngày này, khi ở nhà, chúng ta mới nhận ra rằng việc cách ly cũng đem lại những lợi ích nhất định.
Đầu tiên phải nói đến là giảm tai nạn giao thông. Hôm qua, một người bạn của tôi tỏ ra lạc quan, khi anh ấy sống ở khu vực có nguy cơ cao. Anh bảo vẫn có tin tốt là tai nạn giao thông năm qua đã giảm.
Tôi tìm số liệu thì đúng là như thế. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về tai nạn giao thông 12 tháng của năm 2020 (tính từ ngày 15-12-2019 đến 14-12-2020), toàn quốc xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.700 người, bị thương 10.804 người.
So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 3.111 vụ (giảm 17,6%), số người chết giảm 924 người (giảm 12,1%), số người bị thương giảm 2.820 người (giảm 20,7%).
Có người so sánh: ở nước ta chỉ có ít người thiệt mạng do dịch Covid-19 nhưng mỗi ngày đều có người chết vì tai nạn giao thông. Như vậy có thể thấy, hậu quả do tai nạn giao thông nghiêm trọng hơn dịch Covid-19 nếu tính ở Việt Nam. Kể cả may mắn không thiệt mạng thì thương tật do tai nạn giao thông cũng rất nặng nề, không kém gì di chứng do mắc Covid-19.
Lâu nay, chúng ta vẫn coi tai nạn giao thông là chuyện thường tình trong cuộc sống hằng ngày. Mỗi khi truyền thông đưa tin về nạn nhân của tai nạn giao thông, chúng ta đón nhận với sự lo lắng nhưng không biết làm cách nào để giảm bớt tai nạn. Thực ra đó là do ý thức của mỗi người.
Một trong những nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông là do người sử dụng phương tiện uống rượu, bia khi lái xe. Thứ hai là coi thường luật giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu.
Trong những ngày đầu tiên cách ly, vẫn có người phải ra đường do công việc sản xuất thiết yếu hoặc đi mua nhu yếu phẩm. Nhưng mọi người đều đi cẩn thận, giữ khoảng cách với nhau. Biết là phải bảo đảm khoảng cách an toàn để tránh lây lan virus nhưng việc giữ khoảng cách cũng giúp cho tai nạn giao thông ít xảy ra so với bình thường. Theo quan sát, người tham gia giao thông cũng đi cẩn thận hơn, không phóng nhanh, vượt ẩu dù đường rất vắng.
Dịch bệnh, rồi phải cách ly xã hội cũng dần làm cho ý thức của người dân tốt lên. Hằng ngày, chứng kiến nhiều người chết trên thế giới, rồi sự nguy hiểm của virus được tuyên truyền cũng làm cho con người biết quý trọng mạng sống của mình hơn.
Ý thức của toàn xã hội tăng lên nhờ hiểu được sự nghiêm trọng của dịch bệnh cùng với đó là sự đoàn kết và cảm thông trong khó khăn chung của đất nước. Dịch bệnh rất nguy hiểm và sẽ để lại hậu quả cho nền kinh tế và xã hội, nhưng nó cũng là dịp để mọi người sống chậm lại, nhìn lại bản thân để cố gắng hơn sau khi hết dịch.
Một mùa xuân của thận trọng, giữ mình và điều quan trọng là hãy tiếp tục suy nghĩ tích cực cho chính chúng ta và cho đất nước.
Nhằm làm phong phú thêm nội dung, tạo sự tương tác cao hơn với bạn đọc, Báo Người Lao Động tổ chức 2 cuộc thi trên Báo Người Lao Động điện tử (NLĐO) dịp Tết Tân Sửu 2021.
Cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động "bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày 1-2 (20 tháng chạp) đến 21-2 (mùng 10 tháng giêng)
Bạn đọc có thể xem thể lệ, giải thưởng về 2 cuộc thi này tại đây .
Lưu ý: do tin bài dự thi của bạn đọc có đính kèm video hoặc hình ảnh có dung lượng khá lớn, nên cần phải giảm dung lượng hình ảnh xuống để gửi hoặc bạn đọc có thể tải lên Google Drive hoặc OneDirve rồi gửi mail chúng tôi link download video, hình ảnh dung lượng lớn đó. Nếu gặp trục trặc trong việc gửi tin bài dự thi xin vui lòng liên hệ qua email: xuanonline@nld.com.vn
Bình luận (0)