Tình trạng lún ở TP HCM được cảnh báo từ nhiều năm qua, không ít giải pháp "chữa trị bệnh lún" đã triển khai, song do làm không tới nên tình trạng lún vẫn diễn ra ngày càng phức tạp. Theo dự báo của các chuyên gia, tốc độ lún sụt có nguy cơ đe dọa đến hạ tầng đô thị, lẫn các công trình ngầm. Nếu chậm trễ ngăn chặn thì chỉ cần 10-20 năm nữa, sẽ thấy hậu quả khủng khiếp.
TS Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam, nhấn mạnh: Tình trạng lún sẽ kéo theo ngập, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Một trong những nguyên nhân gây lún là các dòng sông, kênh rạch bị lấp, lấn chiếm làm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước. Tình trạng đô thị hóa ở phía Nam TP (Cần Giờ, quận 7, Nhà Bè) khiến không còn nơi thoát nước, trữ nước (khu vực này là vùng bán ngập triều, là "túi nước" của TP) . Mật độ xây dựng quá nhiều, làm gia tăng khối lượng đè nén lên mặt đất, khiến độ rỗng trong địa chất bị ép sâu, gây lún.
Kỹ sư Vũ Hải, Hội Nước và Môi trường TP, cung cấp thêm thông tin: các công trình cao tầng mọc lên "như nấm" với tải trọng lớn đè lên đất gây sụt lún, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng thúc đẩy quá trình lún diễn ra nhanh hơn.
Sau khi Báo Người Lao Động đăng tải thông tin báo động lún tại TP HCM, rất nhiều bạn đọc của Báo Người Lao Động đã bức xúc về tình trạng này. Bạn đọc Nhật Minh đề xuất: "Để chống hụt mức nước ngầm, ngoài việc không cho khai thác còn phải có biện pháp bổ sung nguồn nước. Với mật độ bêtông hoá ở các quận nội thành như hiện nay, nước mưa không có cơ hội thấm xuống đất mà chảy theo hệ thống cống rãnh ra sông, ra biển. Vì vậy, trong quy hoạch TP, chính quyền cần phải tính đến quy định bắt buộc phải chừa diện tích tự nhiên cho thấm nước mưa. Ngay trong từng thửa đất xây dựng cũng chỉ cho phép bê tông hóa một tỉ lệ nhất định.
Lún và ngập nước khi mưa, một vấn đề đang báo động tại TP HCM
Nhiều ý kiến bạn đọc đề xuất chính quyền sớm có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục, nếu không nguy cơ sẽ lún sập cho cả TP; cần làm nhanh hệ thống cung cấp nước từ thủy cục đến toàn TP; đồng thời, "giảm bớt giá nước là người dân sẽ bỏ dùng nước giếng, chuyển qua dùng nước máy". Có bạn đọc phản ánh không ít hộ kinh doanh rửa xe quy mô lớn, máy bơm nước ngầm mở ngày đêm để phục vụ kinh doanh; nhà ở xung quanh họ bị lún nền, gạch ốp tường rơi tư do...bị lún sụt, mong lắm sự căn thiệp của cơ quan chức năng.
TP có thể "trị" được căn bệnh "lún" hay không? Bạn đọc có email: yenp6913@gmail.com phân tích: "Lún là do chúng ta xây dựng bừa bãi, tràn lan, bê tông hóa hết. Kiên quyết chấm dứt tình trạng trên thì TP sẽ hết lún". Bạn đọc ngtanvinh_2006@yahoo.com góp thêm: "Sông, ao, hồ... là nơi trữ nước trong mùa mưa rất hiệu quả. Nó đã có tác dụng hàng nghìn năm nay, vậy mà chúng ta lại đi san lấp, xây dựng ồ ạt ở trên đó. Chúng ta đã lấy gì của tự nhiên thì tự nhiên sẽ lấy lại chúng ta thứ khác, cái gì của thiên nhiên thì phải nhanh chóng trả lại cho thiên nhiên".
Bạn đọc Bill chốt: Sụt lún là hậu quả của quá trình khai thác nước ngầm không kiểm soát, cộng với việc lấp kênh rạch vô tội vạ, bê tông hóa gần như toàn TP; mạch nước ngầm bị mất nguồn nước bổ sung dẫn đến sụp địa tầng. Nếu chấm dứt khai thác nước ngầm, đừng lấp kênh rạch nữa, khôi phục càng nhiều càng tốt hệ thống kênh rạch đã có… thì tình hình sẽ sáng sủa ngay".
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)