Vừa qua, UBND quận 1, TP HCM lập trang facebook để người bán hàng rong đăng sản phẩm, số điện thoại lên đó và khách hàng có nhu cầu sẽ liên hệ để giải quyết việc làm cho người buôn bán vỉa hè bị giải tỏa, trả lại vỉa hè thông thoáng.
Quận 1 nhận định khách hàng có nhu cầu sẽ đặt hàng qua điện thoại. Cách làm này không chỉ giải quyết được việc làm cho người buôn bán mà còn giúp những lao động nhàn rỗi có thêm công việc giao hàng. Điểm tích cực nữa là không tốn mặt bằng, bảo đảm an toàn thực phẩm mà lại giải quyết được bài toán về trật tự đô thị.
Người bán hàng rong có lợi thế không tốn tiền thuê mặt bằng
Thực ra, mô hình kinh doanh qua mạng không mới mà đã được các bạn trẻ, sinh viên áp dụng từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều mà quận 1 nên nghiên cứu để ý tưởng trên đem lại hiệu quả khi áp dụng vào thực tế.
Thứ nhất, là trình độ công nghệ của những người bán hàng rong. Theo quan sát, họ là những người ít hiểu biết về công nghệ, trong tay có khi chỉ là chiếc điện thoại “cùi” dùng cho việc nghe và gọi. Giờ bắt họ mua một chiếc điện thoại thông minh thì có phần gượng ép. Thêm vào đó, nhiều người còn không biết chữ thì việc chụp hình ảnh đăng lên facebook để chào bán sản phẩm sẽ rất khó khăn. Mặt khác, kinh doanh qua mạng thể hiện ý tưởng kinh doanh của từng cá nhân, đòi hỏi những kỹ năng tiếp thị thì mới bán được sản phẩm.
Khách hàng chọn hàng rong vì sự tiện lợi, cần gì thì gặp đâu mua đó
Thứ 2, chi phí đầu vào và lợi thế cạnh tranh giá rẻ sẽ yếu. Những người bán hàng rong có lợi thế là họ không phải tốn tiền thuê mặt bằng hoặc thuê với số tiền nhỏ. Những mặt hàng họ bán từ ly cà phê đá đến chai nước, bịch bánh tráng trộn hay những thứ cao cấp hơn như suất ăn trưa. Những người bán hàng rong chọn lợi thế cho mình là đồ ăn thức uống bán với giá rẻ, do đó nguyên liệu đầu vào cũng phải chọn lựa để bán đảm bảo có lợi nhuận. Khi đặt hàng qua mạng thì phải có nhân viên giao tới, như vậy phải tốn thêm chi phí cho lực lượng này. Chi phí đầu vào tăng thêm nên lợi thế cạnh tranh bị mất đi, người bán hàng rong sẽ gặp nhiều khó khăn khi giá sản phẩm của mình tăng liên tục.
Thứ 3 là sự tiện lợi. Thông thường, người đi đường khi có nhu cầu thấy tiện thì ghé vào tiệm này, quán kia để mua đồ chứ ít khi đi một khoảng cách xa để mua một món hàng rong. Khách ghé mua đồ cũng phải nhìn mặt đặt hàng, khi mua qua mạng thì nguyên liệu đầu vào họ không được thấy tận mắt, khi khách hàng không yên tâm về chất lượng thì rất khó thu hút. Ngoài ra, khách hàng phải đặt qua mạng và chờ người giao tới, như vậy quá bất tiện. Điều này chỉ áp dụng được cho giới nhân viên văn phòng không có nhiều thời gian ra ngoài.
Người trong cuộc lo ế khách
Bà Nguyễn Thị Hồng, bán nước giải khát trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5, TP HCM) buôn bán ở vỉa hè gần 10 năm qua nói vì không có mặt bằng buôn bán, kinh doanh nên bà mới bày bán trên vỉa hè. Chúng tôi hỏi nếu được TP hỗ trợ quảng bá sản phẩm, có nhân viên giao hàng cho khách, mình chỉ việc pha chế thôi thì có “trả lại” vỉa hè không, bà Hồng nói không tin phương án này khả thi.
Theo bà Hồng, khách ghé tiệm giải khát của bà là các sinh viên cuối giờ học đi về ghé qua uống nước, người đi đường khát nước dừng lại mua chứ không có khách hàng cố định. Giờ nhà nước hỗ trợ quảng bá như thế nào, ai là người giao hàng, người dân có phải trả phí gì không, nếu không có ai biết đến sản phẩm của mình thì bán bằng cách nào. Nhà bà Hồng trong hẻm nhỏ, sáng chồng bà chở đồ ra đầu hẻm cho bà buôn bán đến tối thì chở đồ về.
"Tôi chỉ bán ly cà phê đá, vài chai nước ngọt hoặc ly cam vắt thì ngồi vỉa hè khách thấy và mua đồ, giờ mang đồ về nhà thì khách không yên tâm vệ sinh thực phẩm” – bà Hồng lo lắng.
Cũng lo lắng cho trường hợp của mình, bà Lê Thị Tuyết, bán bánh tráng trộn trên đường Nguyễn Đình Chiểu, kể buổi sáng bà treo hết hàng nghề lên xe rồi chạy từ quận Tân Bình lên một số tuyến đường có nhiều khách quen ở quận 1 như Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Duẩn,… để bán. Bà Tuyết đánh giá món bánh tráng của bà cũng không quá xuất sắc nên lo ngại nếu đưa lên mạng thì không đắt khách bằng những quán khác.
“Mình có lợi thế là di chuyển liên tục, mọi người nhìn thấy rồi mua, lấy công làm lời chứ không dám cạnh tranh với các quán lớn”- bà Tuyết e dè nói. Thêm vào đó, nếu làm ở nhà trọ (quận Tân Bình) thì khách quen ở quận 1 sao mua bánh tráng trộn được, vận chuyển thì quá xa còn ở Tân Bình thì lại ế khách.
Sỹ Đông
Bình luận (0)