Ngày 29-3, Thành đoàn TP HCM tổ chức tọa đàm "Văn hóa ứng xử của người trẻ nơi công cộng", nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các ý kiến, giải pháp định hướng sự chuẩn mực trong ứng xử văn hóa nơi công cộng hiện nay, đặc biệt là với những người trẻ.
Chia sẻ tại tọa đàm, nhà văn Khương Huyền thốt lên: "Chúng ta hãy hành động, phải hành động, bởi ý thức và văn hóa ứng xử tiêu cực của nhiều người trẻ hiện nay đáng báo động. Không chỉ thái độ, lời nói khiếm nhã khi giao tiếp mà một bộ phận giới trẻ hiện rất thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường". Bà Huyền dẫn chứng nhiều câu chuyện về tình trạng xả rác, phá hoại cảnh quan diễn ra tràn lan, thậm chí ở cả những địa điểm linh thiêng.
Theo nghệ sĩ Lê Thị Ngọc Mai, thái độ yêu, ghét, trọng, khinh... của nhiều người hiện đang vượt quá chuẩn mực của xã hội nhưng lại có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào. Bà Mai nhìn nhận thực trạng đáng nhức nhối là nhiều trang mạng xã hội, kênh truyền hình, chương trình giải trí chạy theo doanh thu, có nội dung và văn hóa chưa phù hợp nhưng vẫn phổ biến, gây tác động không nhỏ đến suy nghĩ, nhận thức của giới trẻ.
Hành vi xả rác tràn lan ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM) ở mỗi dịp lễ, Tết là thực trạng diễn ra phổ biến
Ông Dương Trọng Phúc, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Sinh viên TP, nhìn nhận sự tác động của mạng xã hội hiện nay rất lớn. Trong đó, nhiều trào lưu hình thành trong giới trẻ và dễ lan tỏa nên nếu không kiểm soát thì tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tiêu cực. Chưa kể, nhiều người sử dụng mạng xã hội hiện đang có lối sống thực dụng, ích kỷ, dẫn tới những hành vi thiếu chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp nơi công cộng.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP, nói việc định hướng các chuẩn mực trong ứng xử văn hóa và nếp sống văn minh nơi công cộng phải được xem là một cuộc cách mạng, cần kiên trì và lâu dài. Trong đó, gia đình, trường học và các đoàn thể là nòng cốt để thực hiện. Một số ý kiến khác cũng cho rằng cần có quy định và hình phạt cụ thể cho từng đối tượng, từng không gian bởi không dễ để nhiều người bỏ thói quen xấu. Đồng thời, cần sự liên kết giữa các cơ quan công quyền, các cấp quản lý và việc thực hiện phải xác định đó là một quá trình dài hơi.
Chủ trì tọa đàm, bà Thân Thị Thư - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM - đánh giá sự phát triển văn hóa tại TP hiện chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế và công nghệ. Nhiều hành vi xấu, tùy tiện ở nơi công cộng đang trở thành thói quen của một bộ phận người, đặc biệt là những thanh niên thiếu ý thức.
Nhiều việc có thể làm ngay
Bà Thân Thị Thư cho rằng để định hướng việc thực hiện các chuẩn mực về văn hóa ứng xử, nhiều việc có thể làm ngay như tập trung đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền thường xuyên, với những bộ quy tắc ứng xử cho từng đối tượng. Trong đó, các nhân tố chính là phải từ gia đình, trường học cùng các tổ chức đoàn thể thanh niên cho đến toàn xã hội phải chung tay thực hiện.
Bình luận (0)