Đối với những doanh nghiệp (DN) ăn nên làm ra, việc khen thưởng cho người đóng góp vào sự phát triển của DN như là lẽ đương nhiên, không quá áp lực. Thế nhưng, có những DN làm ăn thua lỗ, cố gắng trả đủ thu nhập hằng tháng cho người lao động (NLĐ) đã là một nỗ lực, ngày Tết cộng thêm vào lương 50.000-100.000 đồng gọi là khích lệ nhân viên đồng cam cộng khổ với DN vượt qua khó khăn cũng là một sự cố gắng đáng ghi nhận.
Từng có nhiều ý kiến cho rằng nên chuyển thưởng cuối năm thành các khoản thưởng cuối tháng. Như vậy, tổng số tiền thưởng định kỳ của mỗi nhân viên không mất đi mà chỉ dàn trải ra, cũng là bớt gánh nặng vào mỗi cuối năm cho DN.
Trước khi bàn về vấn đề này, thử nêu câu hỏi: “Đối tượng nào cần thưởng Tết nhất?”. Câu trả lời là những người làm công ăn lương, nhất là công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp… Đồng lương thấp, họ mong Tết để được thêm lương tháng 13 cộng với khoản tiền thưởng, có một số tiền kha khá nhằm trang trải, mua sắm, phụ giúp gia đình…
Tuy nhiên, khoản thưởng gộp vào cuối năm lại tạo ra một dòng tiền chi rất lớn, gây sức ép lên ngân quỹ DN khiến không ít DN dùng biện pháp tiêu cực như cứ đến khoảng tháng 10, tháng 11 lại tìm cách… cắt giảm biên chế, sa thải bớt nhân viên. Thu nhập “đột biến” dịp Tết cũng gây “sức ép” ngược lên NLĐ khi thu nhập bình quân hằng tháng không đủ đóng thuế thu nhập cá nhân nhưng gộp các khoản thưởng và lương lại vô tình vượt qua mốc 9 triệu đồng, đủ để “thuế thổi bay thưởng Tết”.
Ngược lại, nếu dàn đều khoản thưởng ra các tháng, thu nhập dịp Tết cũng… bình thường như các tháng khác, sẽ làm giảm sự háo hức (cũng là một động lực làm việc) của NLĐ.
Vì vậy, nên chia thưởng cuối năm ra thưởng mỗi quý, kết hợp với các thưởng lễ, Tết trong các quý đó. Ví dụ, thưởng quý I (tháng 1, 2, 3) nên đưa vào cuối tháng 4 kết hợp với khoản thưởng lễ Giỗ tổ mùng 10-3 và lễ 30-4. Thưởng quý II nên đưa vào cuối tháng 6 (có kết hợp thưởng lễ 1-5). Thưởng quý III nên đưa vào tháng 9 (kết hợp thưởng lễ 2-9). Riêng thưởng quý IV không chi tiền trong tháng 12 mà đưa vào dịp trước Tết, kết hợp lương tháng 13. Như vậy, vừa duy trì một khoản thu nhập tương đối cho NLĐ chi tiêu Tết vừa giảm sức ép lên vai DN. Khi thu nhập của NLĐ đầy đặn hơn trong mỗi quý, họ cũng có động lực và gắn bó với công ty hơn.
Bình luận (0)