Ngày 9-1, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã công bố báo cáo thưởng Tết nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 của các doanh nghiệp (DN) trên cả nước. Theo đó, đến ngày 9-1, có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo về bộ, gồm 23.495 DN với 3,72 triệu lao động được báo cáo.
“Kẻ cười, người khóc”
Về thưởng Tết nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, có 83,5% số DN báo cáo có phương án thưởng Tết nguyên đán cho người lao động (NLĐ). Cụ thể: mức thưởng bình quân 1 tháng lương (khoảng 4,9 triệu đồng/người), bằng 96% so với năm 2016 (5,1 triệu đồng/người). Người có mức thưởng cao nhất đang làm việc tại 1 DN ngoài nhà nước ở TP HCM với mức thưởng 1 tỉ đồng (mức cao nhất năm 2016 thuộc về DN có vốn đầu tư nước ngoài - FDI tại Hải Dương với mức thưởng 624 triệu đồng).
Đáng nói mức thưởng Tết nguyên đán thấp nhất chỉ có 50.000 đồng/người tại một DN ngoài nhà nước ở tỉnh Bến Tre và ở một số DN FDI tại các tỉnh Thái Bình, Tây Ninh, Hải Dương. Mức thưởng Tết nguyên đán Bính Thân thấp nhất là 40.000 đồng.
Đánh giá về mức thưởng Tết “kẻ khóc, người cười”, ông Tống Văn Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng hiện nay theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam, tiền lương là khoản bắt buộc mà DN phải trả đầy đủ cho NLĐ. Còn tiền thưởng là khoản khuyến khích mà DN và NLĐ thỏa thuận với nhau trong hợp đồng, thỏa ước lao động và các quy chế của DN. Ông Tống Văn Lai nói: “Chính vì quy định của pháp luật như thế nên những khoản tiền thưởng nói chung và tiền thưởng Tết nói riêng nơi cao, nơi thấp, không nơi nào giống nơi nào. Đó là do 2 bên thỏa thuận với nhau hoặc là nó phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của từng DN cũng như những cống hiến của NLĐ đối với DN”.
Khuyến khích thỏa thuận
Theo đại diện Bộ LĐ-TB-XH, qua số liệu mà các DN đã báo cáo về bộ, không thấy DN nào thưởng bằng sản phẩm cho NLĐ như những năm trước mà chủ yếu thưởng bằng tiền. “Báo cáo là vậy nhưng trên thực tế thì cũng có những DN thưởng bằng sản phẩm. Đơn cử, có những DN thưởng bằng sản phẩm có giá trị rất lớn như ô tô, máy tính, điện thoại nhưng cũng có những DN thưởng bằng những hiện vật rất đời thường như là quần đùi hay áo mặc thường ngày đối với NLĐ. Tôi cho rằng cái này là theo thỏa thuận cũng như chính sách của DN mà thôi” - ông Lai nhìn nhận.
Trả lời các ý kiến cho rằng nên đưa việc thưởng Tết thành quy định bắt buộc, ông Tống Văn Lai cho rằng chúng ta đang chuyển đổi cơ chế, chính sách theo nguyên tắc thị trường; mà thị trường chủ yếu dựa trên sự thỏa thuận giữa hai bên. “Về kinh nghiệm quốc tế, hiện tôi chưa thấy có quốc gia nào luật pháp quy định là phải có tiền thưởng hay tiền thưởng Tết. Vì vậy, Việt Nam cũng đang đi theo hướng chung từ kinh nghiệm của quốc tế” - ông Lai cho hay.
Vị đại diện Bộ LĐ-TB-XH cũng bày tỏ ý kiến đối với vấn đề luật hóa việc thưởng Tết. Theo ông, hiện nay pháp luật quy định vấn đề tiền thưởng là do 2 bên thỏa thuận. Quan điểm của ông là không nên đưa vào thành thể chế, thành luật vì sẽ “rất cứng nhắc”. “Chúng ta đã giao quyền cho 2 bên trong quan hệ lao động rồi thì nên để họ tự thỏa thuận với nhau thì sẽ linh hoạt hơn” - ông Lai bình luận.
Anh NGUYỄN QUỐC NAM (nhân viên Công ty Minh Hưng, tỉnh Bình Dương):
Làm ăn hiệu quả để thưởng cho ra thưởng
Chúng ta hay nói nhiều đến hội nhập kinh tế quốc tế. Trong vấn đề thưởng Tết, cũng có ý kiến nói rằng nên học tập quốc tế vì người ta đâu có thưởng? Nói vậy là không đúng. Hằng ngày, các phương tiện thông tin đại chúng vẫn đưa tin các DN lớn, công ty đa quốc gia có những chính sách khen thưởng cho nhân viên khi công ty làm ăn hiệu quả. Những khoản thưởng của họ cũng rất có giá trị, đa dạng như thưởng nhà cửa, xe cộ, đi nghỉ mát trên du thuyền 5 sao, cổ phiếu… Tôi nghĩ DN Việt Nam nên học tập kinh nghiệm quốc tế điều này; làm sao quản lý, điều hành DN làm ăn hiệu quả để thưởng cho ra thưởng.
Bà LÊ THỊ THU NGA (Công ty Việt Hoa, TP HCM):
Không chỉ là khuyến khích, động viên
Thưởng Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống ở nhiều nước phương Đông. Đây không chỉ là khuyến khích, động viên NLĐ mà còn là sự trân trọng, tri ân của chủ DN dành cho những đóng góp của NLĐ. Ở công ty chúng tôi, cứ đến cuối năm là ai cũng nôn nao, mong chờ công bố thưởng Tết. Năm nào công bố mức thưởng cao thì ai cũng phấn khởi, làm việc hăng hái, sản phẩm ít lỗi, năng suất cao. Ngược lại, năm nào thưởng thấp, ai cũng buồn bã, lo âu nên năng suất suy giảm, tỉ lệ sản phẩm không đạt yêu cầu tăng cao. Theo tôi, làm gì thì làm, cuối năm DN cũng nên thưởng Tết cho NLĐ. Điều đó sẽ mang lại nhiều lợi ích không thể đo đếm cho DN.
B.Đằng ghi
Bình luận (0)