Ðại dịch Covid-19 hoành hành ở nước ta không chỉ một lần mà đã tới lần thứ 4 và vẫn còn dai dẳng trong những ngày cuối năm 2021. Nhìn lại những ngày căng thẳng đã qua, mới thấy kính trọng làm sao những người thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch!
PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cùng một cháu bé trong khu cách ly tập trung ở Bình DươngẢnh: Lê Thị Hiệp
Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (bìa phải) đi ghe đến nhà dân khám chữa bệnh. (ảnh do gia đình cung cấp)
Ở những nơi dịch bệnh phức tạp, hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế nhiều tháng liền tạm gác lại chuyện riêng tư để ngày đêm miệt mài truy vết F0, F1, điều trị cho bệnh nhân. Những y - bác sĩ ở các bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện dã chiến thức trắng hằng đêm, dũng cảm đương đầu với nguy cơ lây nhiễm để tìm cách giành giật mạng sống cho bệnh nhân. Nhiều người trong số họ đã hy sinh trong lúc tham gia chống dịch.
Ở họ, cả lý trí và tình cảm đều thôi thúc rằng người thầy thuốc phải luôn có mặt tại điểm nóng dịch bệnh. Ðó không chỉ là nghĩa vụ với nghề mà còn là trách nhiệm công dân khi đất nước cần, là nghĩa đồng bào, là tình đồng nghiệp cao cả.
Không chỉ trong phòng chống dịch bệnh, hình ảnh người thầy thuốc xưa nay vẫn luôn được dân ta trân trọng. Sự trân trọng đó đã phần nào được thể hiện qua các tác phẩm gửi đến tham gia cuộc thi "Người thầy thuốc trong tôi", do Báo Người Lao Ðộng tổ chức từ giữa tháng 8-2021, nhằm tôn vinh đội ngũ thầy thuốc Việt Nam qua các thế hệ.
Hình ảnh ấn tượng về người thầy thuốc đã tạo ra những cung bậc khác nhau trong tâm tưởng mỗi người. Với tác giả Hoài Thương (TP HCM), đó là bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn - nguyên Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè - nhân vật chính của tác phẩm "Trọn vẹn một chữ tâm".
Ở xã đảo Phước Lộc, việc đi lại phải dùng xuồng ghe, dân nghèo và trạm y tế cũng rất thiếu thốn trang thiết bị. Trong khi bao nhiêu người lần lượt đến rồi đi vì không chịu nổi khó khăn thì bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn vẫn gắn bó với nơi này liên tục gần 40 năm chỉ vì thương dân nghèo. Bốn tháng trước khi nghỉ hưu, ông vẫn xông pha trong lực lượng tuyến đầu chống dịch, sau đó không may nhiễm bệnh và tử vong.
Cũng tác giả Hoài Thương, trong tác phẩm khác có tựa đề "Nữ điều dưỡng quên mình giữa tâm dịch", đã kể về chị Trần Thị Phương Hằng, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh (TP HCM). Nữ điều dưỡng 42 tuổi này cũng đã hy sinh khi tham gia chống dịch Covid-19.
Nhận thấy nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng cận kề cửa tử đang cần được điều trị, chăm sóc, chị Hằng đã tạm gác chuyện riêng tư ở gia đình nhỏ của mình, tình nguyện nhận nhiệm vụ chăm lo các ca F0. Hôm xách tư trang vào bệnh viện để sát cánh cùng đồng nghiệp chống dịch, chị chỉ kịp cầm tay mẹ chồng gửi gắm: "Má ơi, cho con gửi 2 đứa nhỏ. Con đi chống dịch. Hết dịch con về". Song, ngày ấy đã không bao giờ đến…
Khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP HCM và Bình Dương hồi giữa năm 2021, đông đảo lực lượng y tế từ miền Bắc và miền Trung được điều động vào hỗ trợ. Chuyện hai anh em ruột Nguyễn Văn Khương - Nguyễn Văn Khang, đều là sinh viên Học viện Quân y, tình nguyện vào TP HCM đã gây xúc động mạnh mẽ đối với tác giả Võ Thu Hương (TP HCM) trong "Vinh dự được chọn vào vùng dịch".
"Trong nhiều lần công tác, đây là chuyến đi có nhiều ý nghĩa nhất với chúng tôi. Ngoài việc khám bệnh, chuyển bệnh, phát thuốc..., chúng tôi còn tham gia phát quà, phát lương thực tới tay người dân, trẻ nhỏ. Cảm nhận được niềm vui rất lớn khi có thể chia sẻ với bà con cô bác nhiều việc như vậy" - tác giả Võ Thu Hương ghi lại cảm nhận của Nguyễn Văn Khang khi kể về những ngày anh tham gia chống dịch ở TP HCM.
Suốt những tháng ngày được điều động vào hỗ trợ Bình Dương trong cương vị Giám đốc y khoa Trung tâm Hồi sức tích cực của tỉnh này, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội, đã tận tâm tận lực cống hiến. Hình ảnh người thầy thuốc này đã gây ấn tượng mạnh, để lại nhiều cảm xúc trong lòng người dân, trong đó có tác giả Lê Thị Hiệp (Bình Dương).
"Chúng tôi - người dân sống những tháng ngày đầy lo lắng giữa tâm dịch, cảm nhận như vị bác sĩ ấy đang chiến đấu chống dịch ở chính quê hương ông chứ không phải đơn thuần là nơi ông đến chi viện" - tác giả Lê Thị Hiệp bày tỏ sự cảm kích qua "Thắp lửa niềm tin nơi tâm dịch Bình Dương".
Cũng ở tuyến đầu Bình Dương, khi dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, nhiều đoàn thầy thuốc chi viện lần lượt được rút về nhưng vì bệnh nhân nặng vẫn còn nên rất cần những chuyên gia đầu ngành hỗ trợ điều trị. Lúc này, GS-TSKH Dương Quý Sỹ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Ðồng, Chủ tịch Hội Giấc ngủ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam - đã tình nguyện tiếp tục ở lại đây sau một thời gian chung lưng đấu cật với đồng nghiệp trong cuộc chiến sinh tử chống Covid-19.
"Tình thương bệnh nhân và trái tim trắc ẩn giữ tôi ở lại. Ðại dịch này thật sự khốc liệt, có những bàn tay người bệnh cứ nắm chặt như muốn níu kéo nhưng tôi và khoa học đành bất lực. Có những nụ cười, chúng tôi không bao giờ quên. Hình ảnh người bệnh trong bộ đồ rộng thùng thình, tấm lưng nhỏ thó xiêu vẹo, đôi chân đi chưa vững bước ra xe bởi hậu quả của "bão Cytokine" càn quét... như thôi thúc thầy thuốc chúng tôi ở lại với nghề, tiếp tục chiến đấu, bởi cuộc chiến này chưa kết thúc!" - sự chân tình của ông được tác giả Ngô Văn Anh ghi lại trong "Thỏa ước mong được ra tuyến đầu".
Còn rất nhiều câu chuyện, hình ảnh đẹp về người thầy thuốc được các tác giả ghi lại trong tác phẩm của mình. Và như lời bác sĩ Ngô Ðức Ðễ trong "Bạn tôi và chiếc áo blouse" của tác giả Tôn Thất Thọ: "Khi đến với ngành y, mà nghề khác cũng vậy, nếu bằng cái tâm, mọi việc sẽ khác", họ xứng đáng được trân trọng, tôn vinh.
Bình luận (0)