Lần đầu tiên quận 1 xác nhận việc thực hiện đề án quy hoạch thí điểm khu vực kinh doanh ăn uống theo thời gian quy định ở một số tuyến đường trên địa bàn là tại cuộc họp báo về kinh tế - xã hội vào cuối tháng 3-2016. Theo đó, UBND quận 1 sẽ giải quyết cho 50-60 hộ sống trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn được bán tại các khu vực này từ 6-8 giờ và từ 11-13 giờ. Hai điểm được chọn là hai đoạn lề đường Nguyễn Văn Chiêm và một phần Công viên cảng Bạch Đằng.
Khu ẩm thực: Hẹn nhiều lần, chưa ra mắt
Thế nhưng, năm 2016 trôi qua, phố hàng rong vẫn chưa xuất hiện. Đến tháng 3-2017, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì, nghe quận 1 báo cáo đề án khu ẩm thực thí điểm kinh doanh có thời gian trên một số tuyến đường.
Xe máy ở chợ Dân Sinh được để sát mép đường, phần còn lại dành cho người đi bộ khá rộng rãi Ảnh: Sỹ Đông
Tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết trong giai đoạn thí điểm, quận sẽ bố trí cho 100 hộ dân khó khăn có hộ khẩu thường trú tại quận kinh doanh ở 3 địa điểm: đường Nguyễn Văn Chiêm, Công viên Bách Tùng Diệp và đường Chu Mạnh Trinh, bỏ địa điểm Công viên cảng Bạch Đằng. Đồng ý với chủ trương của quận 1 nhưng ông Tuyến đã bác địa điểm đường Chu Mạnh Trinh bởi phần còn lại của vỉa hè quá nhỏ để tổ chức buôn bán.
Từ đó đến nay, đề án sắp xếp cho người buôn bán hàng rong vẫn chưa thực hiện. Mới đây, ngày 14-6, tại hội nghị sơ kết công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn quận 1 năm tháng đầu năm 2017, ông Thuận cho biết phố ẩm thực trên đường Nguyễn Văn Chiêm và tại Công viên Bách Tùng Diệp vẫn chưa được hình thành. "UBND quận 1 đang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nghe thêm ý kiến và tiến tới hoàn tất công tác chuẩn bị. Có thể trong tháng 7 sẽ có phố ẩm thực tại 2 địa điểm này" - ông Thuận cho hay.
Liên quan đến việc này, ông Thuận nói thêm một số tuyến đường khác như Nguyễn Thái Học, Hoàng Sa, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Trãi… cũng đang được UBND các phường xây dựng phương án để để bố trí chỗ buôn bán cho các hộ nghèo và cận nghèo. Trước tiến độ của quận 1, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu khẩn trương bố trí người bán hàng rong vào buôn bán tại địa điểm được quy hoạch, bảo đảm vệ sinh, mỹ quan đô thị.
Bố trí nơi kinh doanh ổn định
Trong khi đó, tại quận Tân Bình, khoảng 20 hộ buôn bán hàng rong có hoàn cảnh khó khăn đã được bố trí chỗ kinh doanh mới ở khu vực mặt tiền chợ Phạm Văn Hai từ 18 giờ 30 phút đến 23 giờ. Mức phí mặt bằng áp dụng theo quy định của UBND TP nhưng được miễn các loại chi phí về điện, nước, vệ sinh… cũng như được đào tạo về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Qua ghi nhận của phóng viên, hầu hết những hộ buôn bán này đều khá vui mừng khi được chuyển vào khu chợ. Một số hộ cho biết thời gian đầu, thu nhập có phần giảm hơn so với lúc bán hàng rong trước đây do mất "mối quen" nhưng tất cả đều thừa nhận công việc ổn định hơn, không còn cảnh vừa bán vừa… chạy.
Theo chị Trần Thị Cẩm Tú, một tiểu thương vừa chuyển vào kinh doanh ăn uống ở phía trước chợ Phạm Văn Hai, hiện việc buôn bán của chị đã ổn định nhờ lượng khách khá đông, cuộc sống gia đình được cải thiện hơn so với lúc buôn bán trên vỉa hè. Mỗi tháng, chị chỉ phải đóng khoảng 300.000 đồng cho tất cả loại phí khi kinh doanh ở chợ. Với thu nhập của chị, phí đó có thể chấp nhận được.
Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết phương án bố trí người bán hàng rong có nơi kinh doanh ổn định đang tiếp tục được UBND quận nghiên cứu, khảo sát địa điểm mới và có thể triển khai ở khu vực chợ Tân Bình và Bàu Cát. "Chủ trương của quận là kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhưng đồng thời tìm các phương án nhằm tạo điều kiện cho người dân kinh doanh phù hợp, nhất là những người nghèo phải sống dựa vào vỉa hè" - ông Bình nói.
Trong khi đó, quận 5 đã kẻ một nửa vỉa hè đường Nguyễn Văn Cừ chia mỗi bên 1 m và cho phép người dân kinh doanh về đêm. Theo người dân kinh doanh ở đây, song song với dẹp vỉa hè thì việc sắp xếp nơi để người dân kinh doanh ổn định sẽ chấm dứt được nạn tái chiếm.
Mới đây, UBND quận 6 cho biết đang hoàn thiện đề án "Chợ hàng rong" với quy mô 60-100 gian hàng. Theo đó, UBND quận 6 sẽ tận dụng diện tích đất rộng 840 m2 trước chợ Phú Lâm để làm địa điểm cho người bán hàng rong kinh doanh từ 17 giờ đến 24 giờ (ban ngày, nơi đây sẽ làm bãi giữ xe máy). Do diện tích đất có hạn nên UBND quận đề nghị UBND phường rà soát các hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương lâu nay buôn bán hàng rong về đây hoạt động.
Nhiều cách hỗ trợ người bán hàng rong
Theo báo cáo của UBND quận 1, quận đã tiến hành đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vận động chuyển đổi nghề cho người buôn bán hàng rong chưa được bố trí. Cụ thể, quận sắp xếp cho 31 hộ nghèo, cận nghèo gia công túi giấy cho các tiểu thương chợ Bến Thành, đồng thời hỗ trợ 15 máy may công nghiệp và 5 máy đóng nút bao giấy; hỗ trợ 13 hộ nghèo phường Bến Nghé vay vốn chuyển đổi ngành nghề; dạy nghề miễn phí cho các đối tượng buôn bán hàng rong; tổ chức ngày hội nghề nghiệp để hướng dẫn và giới thiệu việc làm…
Còn nhiều nỗi lo
Nói về việc ảnh hưởng kinh doanh bởi chiến dịch đòi lại vỉa hè, một tiểu thương ở chợ Dân Sinh (đường Yersin, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) thừa nhận lượng khách giảm hơn vì hàng hóa không được trưng bày ra ngoài như trước. Tuy nhiên, UBND phường vẫn tạo điều kiện để người dân buôn bán bằng cách cho phép để xe máy trên vỉa hè trước nhà và sát mép đường, phần vỉa hè cho người dân đi bộ và khách đến mua sắm khá rộng rãi . Ngoài ra, vỉa hè được chia rạch ròi, hộ nào lấn chiếm thì cán bộ trật tự đô thị sẽ dễ thấy và xử phạt được ngay.
Trong khi đó, tại phường Tân Định, quận 1, thông tin về việc cho thuê vỉa hè khiến một số chủ nhà có phần lo lắng. Bà Nguyễn Thị Tuyết (ngụ đường Trần Quang Khải) cho rằng các quán cà phê, quán nhậu, nhà hàng… sử dụng vỉa hè liên tục và hưởng lợi nhuận từ vỉa hè phải đóng phí sử dụng vỉa hè là đương nhiên. Còn người dân sử dụng tạm một phần vỉa hè để xe có bị phạt hay bắt trả tiền thuê vỉa hè hay không?
Bình luận (0)